Xác định mức đóng BHXH tự nguyện để nhận lương hưu mới nhất
THƯ TƯ VẤN – (Về việc liên quan đến Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp)
Kính gửi: bà NGUYỄN THỊ THANH T
Lời đầu tiên, Tổng đài tư vấn xin gửi tới Quý khách hàng lời chào trân trọng, cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của Qúy khách hàng tới dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Dựa trên Email mà bà đã cung cấp ngày 06/05/2020 và trên cơ sở thông tin, tài liệu bà cung cấp, chúng tôi đã nắm bắt các tài liệu, thông tin vụ việc và qua việc thực hiện chuyên môn nghiệp vụ của mình, từ đó nghiên cứu, áp dụng dẫn chiếu quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ trên yêu cầu tư vấn, bằng thư này, chúng tôi xin cung cấp các ý kiến pháp lý nhằm giúp quý khách hàng có được thông tin một cách chính xác và đầy đủ nhất như sau:
NỘI DUNG YÊU CẦU
Tôi tên NGUYỄN THỊ THANH T
- Tiến hành nhận bảo hiểm thất nghiệp: thủ tục, thời hạn, nếu tôi nhận hoặc không nhận thì có ảnh hưởng thế nào, số tiền tôi được hưởng được phân tích cụ thể khi kết sổ là:
+ Thời gian đóng BHTN chưa hưởng năm 2020 là 4 tháng.
+ Tổng thời gian đóng BHTN chưa hưởng là 3 năm 9 tháng, tiền lương 6 tháng gần nhất đóng BHXH là 13.000.000.
+ Nghỉ việc ngày 30/4/2020.
- Tôi muốn tham gia đóng BHXH tự nguyện, làm sao xác định được mức đóng, giả sử sau này tôi muốn nhận lương hưu 8.000.000 / tháng, hoặc 10.000.000/tháng.
- Tôi có thể đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho đủ 15 năm (theo qui định mới) để sau đó được hưởng lương hưu không, thời gian hưởng lương hưu tính từ khi nào, tơi 30/4/2020 tôi tham gia BHXH là 10 năm 11 tháng, số tiền tôi đóng 1 lần tự nguyện là bao nhiêu.
– Tôi cần được giải thích và hiểu rõ các câu này trong kết sổ BHXH của tôi:
+ Thời gian quỹ HT, TT của năm 2020 là 4 tháng
+ Tổng thời gian đóng quỹ HT, TT đến tháng 4/2020 là 10 năm 11 tháng
(Trong đó BHXH bắt buộc là 10 năm 11 tháng)
+ Thời gian đóng BHTN chưa hưởng năm 2020 là 4 tháng.
+ Tổng thời gian đóng BHTN chưa hưởng là 3 năm 9 tháng.
Tôi xin gửi bảng thống kê quá trình đóng BHXH để nhận tư vấn về: số tiền hưởng BHTN lần này, tôi chính thức nghỉ 30/4/2020, tôi tham gia đóng BHXH tự nguyện thì mức đóng 1 tháng bao nhiêu nếu tôi mong muốn lương hưu sau 15 năm lãnh 3 mức 8-9-10 triệu tháng. Tôi xin cám ơn.
NỘI DUNG TƯ VẤN
- Đối với vấn đề hưởng bảo hiểm thất nghiệp
+ Thời hạn nộp hồ sơ hưởng thất nghiệp theo Khoản 1 Điều 46 Luật việc làm năm 2013 là trong thời gian 03 tháng kể từ ngày nghỉ việc. Do đó, trong trường hợp này, bạn nghỉ việc ngày 30/4/2020 (ngày nghỉ việc phải xem trên quyết định nghỉ việc) nên chậm nhất là ngày 31/07/2020 bạn phải nộp hồ sơ để hưởng Trợ cấp thất nghiệp. Nếu nộp hồ sơ sau ngày 31/7/2020 thì sẽ không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa.
+ Về hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 16, 17, 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP):
Bạn cần chuẩn bị những giầy tờ sau: Sổ bảo hiểm xã hội (bản gốc + 01 bản photo); Quyết định nghỉ việc (bản gốc); Chứng minh thư (bản gốc + 01 bản sao); 01 ảnh 3.4
Nơi nộp hồ sơ: Bạn nộp hồ sơ tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để được hỗ trợ giải quyết. Do bạn không nói rõ bạn đang ở đâu nên bạn có thể đến bất kỳ Trung tâm dịch vụ nào trên toàn quốc để nộp hồ sơ hưởng chế độ mà không phải làm bất kỳ thủ tục chuyển hồ sơ. Chỉ cần chuẩn bị đầy đủ những hồ sơ nêu trên thì bên Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ giải quyết. Bạn cần lưu ý: nộp ở nơi thuận tiện nhất cho bạn trong việc đi lại vì sẽ liên quan đến quá trình nhận tiền và khai báo việc làm hàng tháng. Địa chỉ của Trung tâm dịch vụ việc làm bạn có thể lên mạng để tìm.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: là 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ nêu trên Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ ra quyết định cho bạn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đến ngày thứ 25 thì sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
Hình thức nhận trợ cấp: Thông thường sẽ nhận qua thẻ ATM hoặc tiền mặt
+ Về mức hưởng trợ cấp: Bạn đóng được 3 năm 9 tháng BHTN nên sẽ được hưởng 03 tháng thất nghiệp (9 tháng lẻ sẽ được bảo lưu lại trong sổ bảo hiểm xã hội). Mỗi tháng hưởng là 60% mức bình quân lương đóng BHTN của 6 tháng cuối. Do đó, như thông tin bạn cung cấp, bình quân lương 6 tháng cuối của bạn là 13.000.000 đ nên bạn sẽ nhận được là: 7.800.000 đồng/tháng. Mỗi tháng bạn sẽ nhận 01 lần chứ không được nhận tất cả 03 tháng cùng một lúc.
Tư vấn: Khi đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp, bạn nên làm thủ tục nhận sẽ lợi nhất. Việc không nhận cũng không ảnh hưởng gì vì thời gian đóng BHTN sẽ được bảo lưu (ghi nhận) trong sổ. Sau này nếu đủ điều kiện sẽ được nhận còn không thì coi như không được cái gì. Do đó, đối với BHTN khi đủ điều kiện hưởng thì bạn nên làm thủ tục hưởng là lợi nhất cho bạn.
- Cách xác định mức đóng BHXH tự nguyên. Và làm sao để được hưởng mức lương hưu là 8.000.000 đ hoặc 10.000.000 đồng/tháng.
- Xác định mức đóng BHXH tự nguyện
– Mức đóng: Điều 87 Luật BHXH năm 2014 quy định: mức đóng BHXH tự nguyện là 22% trên mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất là bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (29.800.000 đồng), mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo ở nông thôn (700.000 đồng).
Quy định trên được hiểu như sau: Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ đóng dựa trên mức lương do họ tự khai báo. Do đó, phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính của bạn là bao nhiêu để khai báo mức lương làm căn cứ đóng.
Ví dụ: bạn muốn đóng với mức lương là 13 triệu/tháng thì hằng tháng mức tiền bạn phải nộp cho cơ quan BHXH là: 13 triệu * 22% = 2.860.000 đồng.
Lưu ý: Khi bạn đóng BHXH tự nguyện sẽ được nhà nước hỗ trợ mức đóng cụ thể: theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, như sau:
– Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
– Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
– Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Do đó, tại thời điểm năm 2020 mức hỗ trợ là: 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo và 15.400 đồng/tháng đối với các đối tượng khác.
Ví dụ: Bạn thuộc hộ bình thường (sẽ được hỗ trợ là 15.400đ/tháng) và bạn lựa chọn mức lương đóng hằng tháng là 13 triệu. Khi đó mức đóng của bạn cho 1 tháng sẽ là: 13.000.000 * 22% – 15.4000đ = 2.844.600 đồng/tháng.
- Làm sao để được hưởng mức lương hưu là 8.000.000 đồng hoặc 10.000.000 đồng/tháng.
Việc xác định mức đóng như thế nào để 10 hoặc 20 năm nữa được hưởng lương hưu là 8 triệu hoặc 10 triệu đồng một tháng là điều không thể tính được bởi những lý do như sau:
Thứ nhất, hiện tại tuổi đời của bạn khoảng 40 tuổi (bạn là nữ giới). Mà theo quy định hiện hành thì đối với nữ tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi và hiện tại nếu đóng được 30 năm sẽ được hưởng 75% mức bình quân lương đóng BHXH (đây là mức cao nhất theo luật hiện hành). Do đó, 10 năm hoặc 20 năm nữa luật pháp thay đổi và tuổi nghỉ hưu với nữ sẽ thay đổi (tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ) hoặc thay đổi cách tính lương hưu thì việc tính toán tại thời điểm này sẽ là không đúng. Điều này sẽ không đảm bảo quyền lợi cho bạn.
Thứ hai, việc tính lương bình quân để làm căn cứ tính hưởng lương hưu sau này sẽ là không thể bởi: mỗi một năm chính phủ sẽ ra một thông tư để quy định về hệ số trượt giá (hay được hiểu đơn giản là sự trượt giá của đồng tiền) làm căn cứ tính lương cho người lao động. Theo như bảng kê bạn gửi cho chúng tôi, các mức lương, mức hệ số điều chỉnh này chỉ áp dụng với năm 2020, còn sau 20 năm nữa thì sẽ là một con sổ hoàn toàn khác hoặc nhà nước sẽ ban hành cách tính khác nên chúng tôi không thể tính cho bạn được.
Thứ ba, theo như bảng liệt kê mức lương của bạn thì từ năm 2008 cho đến năm 2020 thì mức lương đóng BHXH của bạn là tương đối thấp và đến tận khoảng 2019 – 2020 mức lương mới là 13 triệu đồng. Vậy để muốn hưởng với mức lương hưu sau này là 8tr hoặc 10 triệu thì bạn phải đóng bảo hiểm tự nguyện với mức tiền rất cao mới được hưởng mức lương hưu như mong muốn.
Vậy, vấn đề chúng tôi cần tư vấn cho bạn như sau: Việc đóng BHXH tự nguyện là rất tốn kèm vì bạn phải tự bỏ toàn bộ tiền của mình để đóng mà không được sự hỗ trợ của Doanh nghiệp như thời điểm bạn còn đi làm. Nên nếu có thể, bạn tìm công việc mới và tham gia BHXH để đóng tiếp tại Doanh nghiệp (khi đó bạn chỉ phải bỏ ra 1/3 còn Doanh nghiệp sẽ hỗ trợ bạn 2/3 – việc này là rất lợi cho bạn).
Trường hợp, bạn không đi làm nữa mà vẫn muốn đóng BHXH tự nguyện thì mức đóng chúng tôi khuyên bạn nên đóng thấp nhất nên bằng mức lương đóng BHXH tại thời điểm bạn nghỉ việc tức là 13 triệu hoặc cao hơn mức 13 triệu nếu như bạn có khả năng tài chính. Đồng thời, bạn nên tham gia đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu (hoặc 30 năm) vì khi đó bạn sẽ được hưởng mức lương hưu là tối đa là 75% mức bình quân tiền lương (điều này chỉ đúng tại thời điểm hiện tại và 20 năm nữa khi bạn đủ điều kiện về hưu sẽ không thể biết được luật thay đổi như thế nào).
Với mức đóng là 13 triệu đồng một tháng thì mỗi tháng bạn phải đóng cho cơ quan BHXH là: 2.844.600 đồng và 01 năm sẽ là 34 -35 triệu đồng. Do đó, bạn nên cân nhắc mức đóng cho phù hợp với khả năng tài chính.
Bảo lưu: Việc tính trước lương hưu cho 15 năm, 20 năm nữa là không thể, kể cả đối với những người làm trong cơ quan BHXH.
- Tôi có thể đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho đủ 15 năm (theo qui định mới) để sau đó được hưởng lương hưu không, thời gian hưởng lương hưu tính từ khi nào, tới 30/4/2020 tôi tham gia BHXH là 10 năm 11 tháng, số tiền tôi đóng 1 lần tự nguyện là bao nhiêu.
Thứ nhất, hiện tại bạn không thể đóng BHXH 1 lần cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu bởi quy định này chỉ áp dụng đối với những người đã đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu (thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm) thì sẽ được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu. Bên cạnh đó, việc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu tối đa là 10 năm, còn đối với những người thiếu trên 10 năm thì sẽ không được đóng 1 lần (Quy định này áp dụng theo điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015)
Ví dụ: Hiện nay nếu bạn đã đủ 55 tuổi đối với nữ (tức là đã đủ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật hiện hành) mà thời gian đóng BHXH của bạn hiện là 10 năm 11 tháng thì bạn sẽ được phép đóng BHXH 1 lần cho 9 năm 1 tháng còn thiếu để hưởng lương hưu luôn tại thời điểm tháng liền kề tháng đóng đủ tiền. Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn hiện tại là: khoảng 40 tuổi, đóng được 10 năm 11 tháng BHXH và muốn đóng luôn 1 lần cho 15 năm là không thể.
Thứ hai, thời điểm hưởng lương hưu
Như đã tư vấn ở trên, bạn bắt buộc phải tham gia BHXH hằng tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu (tuổi nghỉ hưu được xác định theo pháp luật tại thời điểm nghỉ hưu) hoặc ít nhất là đóng đủ 20 năm BHXH ( 20 năm BHXH là thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu). Do đó, thời điểm hưởng lương hưu sẽ là ngày 1 tháng liền kề tháng sinh nhật của bạn. Ví dụ: bạn sinh ngày 29/11 thì tháng liền kề tháng sinh nhật để tính thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu là tháng 12 (căn cứ theo Điều 18 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
Đối với trường hợp đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không áp dụng cho trường hợp của bạn) thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề tháng mà bạn đóng đủ tiền BHXH 1 lần cho những năm còn thiếu (căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH).
LỜI KẾT
Ý kiến pháp lý được chúng tôi đưa ra trên cơ sở các thông tin, tài liệu và yêu cầu tư vấn của Công ty phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi không có trách nhiệm xác minh tính xác thực của các thông tin, tài liệu này và không chịu trách nhiệm trong trường hợp các thông tin, tài liệu này không đảm bảo tính đầy đủ, trung thực, chính xác.
Trên đây là bài viết về vấn đề Xác định mức đóng BHXH tự nguyện để nhận lương hưu mới nhất. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các bài viết sau:
Đóng BHXH tự nguyện với mức đóng tối thiểu thì mức lương hưu thế nào?
Mức lương hưu khi có thời gian tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện