Nội dung câu hỏi:
Xin tổng đài hỗ trợ giúp tôi có trường hợp nào nghỉ việc không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay không? Nếu không được nhận thì thời gian đóng trước đó của mình có được giữ lại hay mất đi? Hoặc không được nhận trợ cấp thì có được hỗ trợ học nghề không? Xin cám ơn!
VIDEO: 05 NGUYÊN NHÂN BỊ TỪ CHỐI HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Tổng đài tư vấn xin giải đáp như sau:
Các trường hợp không được nhận trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013, các trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là:
Một là, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.
Hai là, trường hợp hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Với người lao động đang hưởng lương hưu hoặc đang được trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Ba là, thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an. Những người lao động tuy đủ mọi điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại rơi vào trường hợp đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an thì không nằm trong trường hợp để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bốn là, đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên. Người lao động khi có đủ các điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội nhưng thuộc trường hợp này thì không thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Năm là, chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại thuộc một trong các trường hợp trên sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Sáu là, không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Bảy là, trường hợp người lao động đi định cư ở nước ngoài hoặc đi lao động ở nước ngoài.
Tám là, trường hợp người lao động chết, mất tích, bị tòa án tuyên bố là đã chết.
Chín là, trường hợp người lao động có việc làm trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
Mười là, trường hợp người lao động không đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 hoặc 12 tháng trong vòng 36 tháng (với người lao động có hợp đồng mùa vụ), trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng mùa vụ.
Mười một là, trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như công chức, cán bộ…
Mười hai là, trường hợp người lao động đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.
Vấn đề bảo lưu trợ cấp thất nghiệp
Khoản 1 Điều 45 Luật việc làm năm 2013 quy định như sau:
“Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.”
Như vậy, thời gian đóng BHTN là tổng thời gian đã đóng, liên tục hoặc không liên tục. Thời gian đóng BHTN mà bạn chưa hưởng BHTN thì không bị mất đi mà sẽ được bảo lưu và cộng nối khi bạn làm việc ở nơi mới. Khi đủ điều kiện bạn sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian đóng ở tất cả các công ty.
Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Thủ tục bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Tư vấn Bảo hiểm thất nghiệp trực tuyến 1900 6172
Về vấn đề hỗ trợ học nghề
Theo Điều 55 Luật việc làm năm 2013, bạn sẽ được hưởng hỗ trợ học nghề nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đúng quy định và không hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong hạn 03 tháng kể từ ngày nghỉ việc ghi trong quyết định thôi việc;
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.
Bạn có thể tham khảo bài viết sau: Mức hỗ trợ học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm được quy định thế nào?
Nếu còn vướng mắc về những trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; bạn vui lòng gọi điện thoại tới Tổng đài tư vấn 24/7 về bảo hiểm thất nghiệp 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Người lao động được hỗ trợ học nghề bao nhiêu lần?