Làm thế nào khi lịch nghỉ tết trùng ngày nghỉ hàng tuần?
Tổng đài tư vấn cho em hỏi! Công ty em cho người lao động nghỉ tết âm lịch vào ngày 29, 30 tháng chạp và 3 ngày đầu tháng giêng nhưng ngày mồng 1 tháng giêng trùng vào ngày chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần của công ty thì có phải cho người lao động nghỉ bù không? Nếu không cho nghỉ bù thì có bị phạt gì không? Nếu người lao động đồng ý đi làm vào ngày nghỉ bù ngày nghỉ tết đó thì công ty phải trả lương cho người lao động như thế nào? Lương trả cho người lao động những ngày này được tính dựa trên mức lương nào? Tôi cám ơn nhiều!
Tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc nghỉ bù khi tết âm lịch trùng ngày nghỉ hàng tuần
Căn cứ Điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 115. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
… 3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”.
Như vậy, trong dịp tết âm lịch, người lao động được nghỉ làm việc trong 05 ngày và hưởng nguyên lương. Trường hợp công ty bạn cho người lao động nghỉ tết âm lịch vào ngày 29, 30 tháng chạp và 3 ngày đầu tháng giêng là đúng với quy định tại Điều 8 Nghị định 45/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, cũng theo thông tin bạn cung cấp thì có 01 ngày nghỉ đó trùng với ngày nghỉ hàng tuần của đơn vị bạn. Đối chiếu quy định nêu trên thì công ty cần tổ chức cho người lao động nghỉ bù 01 ngày nghỉ lễ.
Thứ hai, về mức phạt nếu công ty không cho người lao động nghỉ bù
Nếu công ty bạn không bố trí cho người lao động được nghỉ bù thì đã vi phạm quy định pháp luật về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết. Căn cứ Khoản 2 Điều 14 Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì công ty bị phạt tiền theo các mức sau đây:
– Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
– Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Lưu ý
Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
Thứ ba, về tiền lương nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ bù ngày nghỉ tết
Căn cứ Khoản 2 và Khoản 5 Điều 25 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 25. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
2. Tiền lương làm thêm giờ theo Khoản 1 Điều này được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
5. Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần quy định tại Điều 110 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại Khoản 3 Điều 115 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần”.
Như vậy, nếu người lao động làm vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì công ty bạn sẽ trả cho người lao động ít nhất bằng 200% tiền lương thực trả.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết: Điều kiện sử dụng người lao động làm thêm giờ
Thứ tư, về tiền lương làm căn cứ trả lương cho người lao động
– Về tiền lương ngày nghỉ tết
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 148/2018/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2018) thì:
“9. Sửa đổi Khoản 2 Điều 26 như sau:
“2. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.”
Như vậy
Theo quy định mới của Nghị định 148/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2018 thì căn cứ tiền lương để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng tết là: Tiền lương theo hợp đồng lao động : Số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động) x Số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng.
– Về tiền lương làm thêm giờ
Bạn vui lòng tham khảo vấn đề này tại bài viết: Tiền lương làm căn cứ tính tiền lương làm thêm giờ cho người lao động
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật lao động trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Mức thưởng tết tối đa đúng theo quy định của pháp luật lao động
- Công ty có người lao động đang đóng bảo hiểm ở nơi khác
- Thời gian thử việc có được cộng dồn để tính ngày nghỉ hằng năm?
- Quy định mới về việc báo trước khi hết hạn HĐLĐ
- Đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ không được trả lương đúng thời hạn
- Căn cứ xác định hình thức trả lương theo thời gian theo quy định