19006172

Cách tính lương hưu năm 2023 của lao động nữ như thế nào?

Cách tính lương hưu năm 2023 của lao động nữ như thế nào?

Cho em hỏi cách tính lương hưu năm 2023 của lao động nữ như thế nào ạ? Vào tháng 1/2023 mẹ em đủ 56 tuổi và đóng được 29 năm bảo hiểm ạ. Mẹ em có được hưởng bảo hiểm y tế không ạ? Hiện mẹ em đang ở TP. Nam Định, sang tháng 11/2023 mẹ em chuyển khẩu lên Hà Nội sống với anh trai em. Vậy mẹ em làm thế nào để chuyển lương hưu lên nhận trên Hà Nội ạ? 


Cách tính lương hưu năm 2022

Dịch vụ tư vấn chế độ hưu trí trực tuyến 24/7: 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về cách tính lương hưu năm 2023 của lao động nữ

Căn cứ Khoản 2 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:

“Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%”.

Theo quy định trên, đối với lao động nữ khi về hưu thì sẽ được tính là 15 năm đầu đóng bảo hiểm sẽ được hưởng 45% sau đó cứ đóng thêm 1 năm sẽ được tính thêm 2%. Mức tối đa được hưởng là 75% tương đương với 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trong năm 2023, lao động nữ muốn nghỉ hưu phải đáp ứng số tuổi là 56 tuổi (năm 2022 là 55 tuổi 8 tháng). Do đó, bạn cho biết tháng 1/2023 mẹ em đủ 56 tuổi và đóng được 29 năm bảo hiểm xã hội. Theo quy định trên thì tỷ lệ hưởng lương hưu của mẹ bạn như sau:

– 15 năm đầu tính là 45%;

– 14 năm đóng bảo hiểm tăng thêm tính là 14 năm x 2% = 28%.

Tổng các tỷ lệ trên là 45% + 28% = 73%.

Như vậy, mẹ bạn sẽ được hưởng 73% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết về chi tiết cách tính lương hưu tại đây: Đóng bảo hiểm 25 năm 4 tháng lãnh lương hưu bao nhiêu?

Thứ hai, về bảo hiểm y tế khi hưởng lương hưu

Căn cứ Điểm a khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014:

“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:

a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng…”.

Như vậy, khi mẹ của bạn hưởng lương hưu thì sẽ được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng tiền và cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho mẹ của bạn. Với thẻ bảo hiểm y tế này mẹ của bạn sẽ được thanh toán 95% các chi phí trong danh mục. 

Thứ ba, về vấn đề chuyển nơi hưởng lương hưu cho mẹ của bạn

Theo quy định tại Quyết định 777/QĐ-BHXH (có hiệu lực từ ngày 24/6/2019) quy định về công bố thủ tục hành chính thay thế, bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và chi trả các chế độ BHXH, BHTN thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam thì các bước cụ thể để đổi nơi nhận lương hưu cho mẹ của bạn như sau:

Bước 1: Mẹ bạn nộp đơn đề nghị chuyển nơi nhận lương hưu cho BHXH huyện hoặc BHXH tỉnh nơi đang chi trả lương hưu cho bố bạn (Mẫu 14-HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH)

Bước 2:

2.1. BHXH tỉnh/huyện nơi chuyển đi: Tiếp nhận hồ sơ từ người hưởng, lập Thông báo theo mẫu số 23-HSB trả người hưởng;

2.2. BHXH tỉnh/huyện nơi chuyển đến: Khi nhận được Thông báo chuyển hưởng, cập nhật ngay vào danh sách chi trả và tổ chức chi trả cho người hưởng tại địa điểm nơi người hưởng đăng ký; đồng thời cơ quan BHXH nhắn tin đến người hưởng về thời gian, địa điểm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng

Bước 3: Mẹ của bạn đến nhận lương hưu, thẻ BHYT (nếu thuộc đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT) theo thời gian và địa điểm ghi trong Thông báo (Mẫu số 23-HSB).

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm các bài viết: Chuyển hình thức nhận lương hưu qua thẻ ATM

Tóm lại, khi mẹ bạn chuyển nơi hưởng lương hưu từ vùng 2 đến vùng 1 thì lương hưu của mẹ bạn cũng không được điều chỉnh tăng.

Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến về chế độ hưu trí 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

-> Thủ tục ủy quyền cho người khác lĩnh hộ lương hưu

luatannam