Mắc bệnh ung thư thì khi nào được rút BHXH một lần?
Cho em hỏi về vấn đề: Mắc bệnh ung thư thì khi nào được rút BHXH một lần? Bác em bị bệnh ung thư muốn rút BHXH một lần thì cần chờ sau bao nhiêu năm sau khi nghỉ việc và đáp ứng điều kiện gì mới được rút BHXH 1 lần? Khi rút tiền cần giấy tờ chứng minh về sức khỏe hay không? Em nghe nói ngoài việc bị ung thư thì còn phải không tự phục vụ được mới được lãnh BHXH 1 lần có đúng thế không ạ? Xin cảm ơn.
- Người lao động bị bệnh ung thư có được rút BHXH một lần luôn không?
- Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có cần quyết định nghỉ việc không?
Luật sư tư vấn Bảo hiểm xã hội một lần trực tuyến 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, mắc bệnh ung thư thì khi nào được rút BHXH một lần?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT: quy định
“Điều 4. Bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần
Các bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần gồm:
1. Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
2. Các bệnh, tật ngoài các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.”
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định như sau:
“Điều 4. Trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.”.
Theo quy định nêu trên, đúng là trước đây tại Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về các bệnh được hưởng BHXH 1 lần thì người lao động cần đáp ứng đồng thời 02 điều kiện là: ĐK01: Bị những bệnh nguy hiểm; ĐK02: không thể tự phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, đến khi Thông tư 18/2022/TT-BYT được ban hành sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT áp dụng từ ngày 15/02/2023 thì đã bãi bỏ ĐK02 nêu trên. Do đó, người lao động chỉ cần mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng là đã được lãnh BHXH 1 lần rồi.
Như vậy, bác bạn bị bệnh ung thư thuộc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng tại điểm d Khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 nên đủ điều kiện lãnh BHXH 1 lần luôn mà không cần chờ sau 01 năm nghỉ việc như những trường hợp khác.
Thứ hai, hồ sơ rút BHXH một lần bao gồm những giấy tờ nào?
Bác bạn bị mắc bệnh ung thư thuộc một trong những trường hợp đặc biệt được lãnh BHXH 1 lần luôn mà không cần phải chờ nghỉ việc sau 01 năm. Vậy nên, muốn được lãnh luôn tiền BHXH 1 lần thì bác bạn phải chứng minh bản thân bị bệnh ung thư dựa trên hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện. Do đó, về hồ sơ – thủ tục lãnh BHXH 1 lần, bác bạn cần thực hiện theo các bước dưới đây:
Căn cứ tại Quyết định 222/2021/QĐ-BHXH về hướng dẫn thủ tục lãnh bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1. Bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ lãnh bảo hiểm xã hội một lần như sau:
– Bản chính Sổ BHXH.
– Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số14-HSB).
– Trường hợp bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì có thêm trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án; nếu bị mắc các bệnh khác thì thay bằng Biên bản giám định mức suy giảm từ 81% KNLĐ trở lên của Hội đồng GĐYK thể hiện tình trạng không tự phục vụ được.
Ngoài ra, khi đi nộp hồ sơ bạn cần mang theo Hộ chiếu và Giấy tờ cư trú như giấy tạm trú hoặc thẻ tạm trú;
Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi mà bạn đang cư trú theo giấy tạm trú hoặc thẻ tạm trú;
Hình thức nộp hồ sơ: Bạn có thể nộp hồ sơ bằng một trong các hình thức sau:
– Qua giao dịch điện tử: NLĐ đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện từ đến Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN (nếu đã đăng ký sử dụng dịch vụ I-VAN); trường hợp không chuyển hồ sơ giấy sang định dạng điện tử thì gửi toàn bộ hồ sơ giấy cho cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính công ích;
– Qua dịch vụ bưu chính công ích;
– Trực tiếp tại cơ quan BHXH.
Bước 2. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 3. Nhận kết quả
Bạn sẽ nhận được:
– Hồ sơ giấy tờ liên quan: theo hình thức đã đăng ký (Trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc qua giao dịch điện tử);
– Tiền trợ cấp:
+ Trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc thông qua tài khoản cá nhân;
+ Trường hợp ủy quyền cho người khác lĩnh thay, thực hiện theo quy định tại thủ tục “ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp” hoặc bản chính Hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Thủ tục ủy quyền lĩnh thay bảo hiểm xã hội một lần
Mọi thắc mắc liên quan vui lòng liên hệ Dịch vụ tư vấn Bảo hiểm xã hội một lần trực tuyến 24/7: 19006172 để được tư vấn và giải đáp trực tiếp.
->Mẹ bị ung thư được rút BHXH một lần trước thời hạn không?