19006172

Mẫu đơn yêu cầu thanh – kiểm tra Công ty do vi phạm quy định về lao động

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà nội, ngày…… tháng ….. năm 2022

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

V/v Yêu cầu thanh – kiểm tra Công ty ……do vi phạm quy định về Luật Lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Kính gửi: – Thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội……………;

– Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận ……., ………..;

– Bộ phận thanh tra thuộc cơ quan ………….;

 

  1. Người yêu cầu:
  • Họ và tên: ………………………;               Ngày sinh: …../……/………
  • Hợp đồng lao động số: ……………………………………………………………
  • CMND/CCCD số: …………… Cấp ngày: ……………  Tại: Cấp bởi: Cấp bởi: Cục trưởng cục Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội
  • Địa chỉ: ………………………………………………………………………………..
  • Số điện thoại: ………………….
  1. Người bị yêu cầu: CÔNG TY ……………
  • Địa chỉ: …………………………
  • Mã số thuế: 01……………..
  • Người đại diện: ……………………….; Chức vụ: …………….
  • Số điện thoại: ………………………

NỘI DUNG VỤ VIỆC:

Tháng 3/2018 tôi được Công ty …………… (Mã đơn vị là: ………….. và ………..) tuyển dụng với vị trí làm việc là: Công nhân và từ tháng 3/2018 – 12/2019 tôi không được đóng Bảo hiểm xã hội. Đến ngày 01/01/2020 khi Công ty chuyển nhượng lại cổ phần cho cổ đông mới (người Nhật) thì tôi được Công ty ký kết Hợp đồng không xác định thời hạn và bắt đầu được đóng BHXH từ tháng 1/2020 đến nay. Ngày 25/6/2022 tôi làm đơn xin phép Công ty được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và được phê duyệt nghỉ từ ngày 04/07/2022 đến hết ngày 04/01/2023.

Trong thời gian nghỉ thai sản, Đại diện phòng Hành chính nhân sự là chị ………….. – Trưởng phòng liên tục yêu cầu tôi viết đơn xin nghỉ việc vì Công ty ít việc. Tuy nhiên, tôi không đồng ý vì do hoàn cảnh nuôi con nhỏ 6 tháng tuổi rất tốn kém và tôi rất cần có thu nhập trong khoảng thời gian này nên không thể nghỉ việc. Tôi yêu cầu chị …….. nếu Công ty cho tôi nghỉ thì cung cấp Quyết định nghỉ việc và các Giấy tờ liên quan nhưng do biết được, khi có đầy đủ giấy tờ tôi sẽ khởi kiện Công ty nên chị không cung cấp và cố ép tôi phải viết đơn nghỉ việc để thoái thác trách nhiệm sang cho tôi. Đến ngày 05/01/2023 tôi chính thức quay trở lại làm việc nhưng chị ……… đã trao đổi với anh …… (anh ……. là Quản lý tại bộ phận tôi đang làm việc) không sắp xếp công việc cho tôi và liên tục gọi điện giục tôi viết đơn nghỉ việc. Đến chiều ngày 05/01/2023 anh ….. – Quản lý bên kho có trao đổi và sắp xếp công việc cho tôi chuyển xuống làm tại tổ mẫu của chị …… Sau đó, tôi làm việc được 2 ngày nhưng đến ngày 07/01/2023 chị ….. yêu cầu anh ….. không tiếp nhận và sắp xếp công việc cho tôi tại tổ mẫu nữa. (bằng chứng tại các email và tin nhắn trao đổi với Công ty). Sau đó tôi đã nhiều lần kiến nghị, khiếu nại đến ban giám đốc công ty nhưng vẫn không nhận được phản hồi, giải quyết thỏa đáng và tôi vẫn cố gắng tiếp tục lên làm việc tại công ty, tuy nhiên công ty bảo sẽ không chấm công tính lương cho tôi trong thời gian này.

Quá bất mãn với cách hành xử thiếu tính nhân văn và vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Công ty ……………………….., ngày 07/02/2023 tôi đã viết đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động đến Phòng lao động – thương binh và xã hội quận …….. để giải quyết sự việc. Tuy nhiên, sau 02 lần triệu tập là ngày 16/02/2023 và ngày 27/02/2023 thì Công ty …………. có cử đại diện là bà ……… – Trưởng phòng hành chính nhân sự lên làm việc. Tại buổi hòa giải Công ty lật lọng khi cho rằng sẽ đồng ý chuyển tôi xuống làm việc tại ví trí khác nhưng tôi không đồng ý vì chắc chắn, chị …… và Công ty sẽ lại ép tôi nghỉ việc đúng như ý định ban đầu đã trao đổi với tôi vào tháng 11/2022 khi tôi đang nghỉ thai sản.

Mẫu đơn yêu cầu thanh - kiểm tra Công ty

Tính từ thời điểm tôi bắt đầu làm việc cho đến nay, Công ty ……….. đã vi phạm nghiêm trọng liên quan đến pháp luật Lao động – Bảo hiểm ngay ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, cụ thể:

Thứ nhất: Công ty ……. vi phạm nghiêm trọng về việc giao kết Hợp đồng lao động và thực hiện nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội cho nhiều nhân viên tại Công ty trong đó có tôi.

Như tôi đã trình bày ở phần trên, tôi vào làm việc từ tháng 3/2018 đến tháng 1/2020 Công ty mới ký HĐLĐ và tham gia bảo hiểm xã hội cho tôi. Điều này là vi phạm quy định tại Điều 14 Bộ luật lao động năm 2019 và Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Mức xử phạt đối với hành vi không giao kết HĐLĐ với người lao động là từ 2.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Đối với hành vi trốn đóng BHXH cho tôi từ tháng 3/2018 – 12/2019 sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đồng – 75.000.000 đồng theo điểm a Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

– Thứ hai: Công ty ……… vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ trả lương và vấn đề tính tiền làm thêm giờ cho người lao động.

Ngày trả lương được thỏa thuận trong HĐLĐ là từ ngày 05-10 hằng tháng nhưng Công ty thường xuyên trả tiền chậm mà không đưa ra lý do chính đáng, thời gian chậm trả là từ 7 – 14 ngày tùy từng tháng, hành vi này đang vi phạm khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động năm 2019. Hơn nữa, thời gian làm việc được quy định trong HĐLĐ là 8h/ngày nhưng khi Công ty cho người lao động làm thêm giờ lại không được tính tiền làm thêm mà được quy đổi, bù trừ với ngày làm việc khác để tránh phát sinh thêm tiền nhân công. Cụ thể: Trong 1 tháng tôi và những người lao động khác được nghỉ 2 chiều thứ 7 nhưng khi tăng ca thì Công ty sẽ cho nghỉ bù và một buổi chiều khác và không tính tăng ca; hoặc: trong 1 tháng mà có 8 tiếng làm tăng ca nhưng người lao động nghỉ 1 buổi chiều sẽ được bù trừ 4h đó sang buổi chiều nghỉ và chỉ được tính 4h là tăng ca. Điều này là vi phạm nghiệm trong quy định pháp luật về lao động tại Điều 98 và Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019.

+) Hành vi trả lương cho người lao động không đúng thời hạn quy định bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

+) Hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ cho người lao động bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

– Thứ ba: Công ty ……………………………. tự ý điều chuyển tôi sang làm công việc khác so với Hợp đồng lao động đã ký kết mà không được sự đồng ý của tôi và không thuộc trường hợp được điều chuyển theo Khoản 1 Điều 29 Bộ luật lao động năm 2019.

Sau khi ép tôi nghỉ việc không được, ngày 05/01/2023 khi tôi quay trở lại làm việc, anh …. (Quản lý bộ phận) chấp hành yêu cầu chị ….. – Trưởng phòng hành chính đã không tiếp nhận tôi vào làm việc. Sau đó anh Hùng (Quản lý bên kho) đã điều chuyển tôi xuống bộ phận mẫu của chị Thu quản lý, làm được 02 ngày thì chị …. yêu cầu chị …. không tiếp nhận tôi làm việc nữa. Do đó, hành vi này vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật lao động và sẽ bị xử phạt theo điểm c Khoản 2 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP là 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

– Thứ tư: Công ty ………. phân biệt đối xử với người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Tôi hiểu và rất hiểu lý do vì sao mà Công ty luôn thúc ép tôi nghỉ việc khi mà từ trước tới giờ – gần 5 năm tôi làm việc và gắn bó, đó chính bởi vì tôi sinh con và nuôi con nhỏ. Khi nuôi con nhỏ tôi sẽ phải nghỉ việc nhiều hơn khi con bị ốm đau, công việc gia đình. Chính vì điều đó mà Công ty kiên quyết cho tôi nghỉ việc mà không phải bất kỳ người lao động nào khác. Tôi vô cùng hoang mang khi bị cho nghỉ việc tại thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời. Hành vi này của Công ty được cho là phân biệt đối xử trong lĩnh vực lao động thuộc trường hợp bị cấm theo Khoản 1 Điều 8 Bộ luật lao động năm 2019.

Hành vi phân biệt đối xử trong quản lý lao động bị xử phạt là 5.000.0000 đồng – 10.000.000 đồng theo điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

– Thứ năm: Công ty ……………. có hành vi ép người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng nghỉ việc.

Như đã trình bày ở trên, tôi vô cùng muốn được làm việc để có thu nhập nuôi con nhỏ nhưng Công ty đã thúc ép tôi nghỉ việc từ khi tôi vẫn đang trong thời gian nghỉ thai sản. Qua những tin nhắn và email trao đổi với chị ….. – Trưởng phòng nhân sự đều cho thấy: Công ty không muốn nhận tôi trở lại làm việc; Công ty cố tình không sắp xếp công việc cho tôi; Công ty cố tình ép tôi phải nghỉ việc bằng cách không chấm công và trả lương cho tôi… Đây chắc chắn là dụng ý của Công ty, được chị ….. – Trưởng phòng nhân sự thực hiện bằng được, cho đến cùng. Hành vi này là vi phạm nghiêm trọng tại Điều 37 và Khoản 3 Điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 và sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng – 20.000.0000 đồng theo điểm i Khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

– Thứ sáu: Công ty ……….. đóng Bảo hiểm xã hội cho tôi và tất cả những người lao động có chức danh giống tôi với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu.

Khi giao kết hợp đồng lao động, chức danh công việc của tôi là: Công nhân tổ may dán cạnh (Công ty sản xuất gia công cánh tủ gỗ công nghiệp). Tại thời điểm bắt đầu vào làm việc, tôi chưa làm được việc ngay mà phải theo một anh tại tổ sản xuất để được chỉ dạy và học hỏi, sau khoảng 3- 4 tháng thì tôi sẽ làm được các công việc như những công nhân khác trong tổ sản xuất. Căn cứ tại Khoản 2.6 mục 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2018 quy định đối với trường hợp người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) sẽ được cộng thêm 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Vậy, Công ty Công ty ………………… có trụ sở tại quận Cầu Giấy được xác định là vùng I thì mức lương đóng BHXH phải là: 4.680.000 đồng + 7%* 4.680.000 = 5.008.000 đồng. Nhưng thực tế, tất cả các nhân viên có cùng chức danh với tôi đang đóng BHXH với mức 4.680.000 đồng.

Hành vi này sẽ bị xử phạt theo điểm b Khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

– Thứ bày: Công ty …………………………. khai báo không đúng, không trung thực hồ sơ bảo hiểm xã hội của tôi từ tháng 1/2023 đến nay.

Thực tế là Công ty đang ép tôi nghỉ việc nhưng do tôi không tự nguyện viết đơn xin nghỉ nên chị ……… – Trưởng phòng nhân sự đã chỉ đạo các bộ phận liên quan không sắp xếp công việc cho tôi khiến tôi phải buộc nghỉ việc từ ngày 07.01.2023 đến nay. Tôi hoàn toàn không xin nghỉ không lương hoặc là có bất kỳ văn bản nào thỏa thuận giữa tôi và Công ty về việc nghỉ không lương từ 07.01.2023 đến nay nhưng phía Công ty báo trên hệ thống bảo hiểm xã hội do cơ quan BHXH quận ………… quản lý là tôi đang nghỉ không lương (có ảnh chụp trên ứng dụng VSSID). Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của bản thân tôi. Quý cơ quan có biết, khi tôi đang bị treo trạng thái nghỉ không lương tại Công ty ………………. thì tôi sẽ không thể đóng BHXH ở bất kỳ công ty nào khác theo nguyên tắc tại Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH. Vậy, tất cả các quyền lợi bảo hiểm của tôi bị dừng và hơn hết tôi đã và đang làm việc tại một Công ty khác nhưng chính vì trục trặc bảo hiểm tại Công ty này nên tôi không thể làm gì được hơn. Bởi pháp luật bảo hiểm quy định, chỉ có Công ty …………. mới có thể làm các hồ sơ báo giảm bảo hiểm của tôi. Tôi bất lực khi không làm gì được trong trường hợp này, chỉ biết làm đơn từ đến các cơ quan nhờ bảo vệ. Vậy, bản chất tôi đã nghỉ việc tại Công ty Công ty ………….. nhưng tại sao lại để trạng thái của tôi là nghỉ không lương.

Kính thưa Quý cơ quan, hành vi này của Công ty ……………… sẽ bị xử phạt theo điểm a Khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP là từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng.

Tóm lại: Từ những dẫn chứng nêu trên, Công ty …………….. đang vi phạm quá nhiều quy định của pháp luật lao động, bức ép tôi khi đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng phải nghỉ việc. Một công ty không thượng tôn pháp luật như trên thì liệu có thể chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực khác tại Công ty hay không. Tôi khẩn thiết kính mong Quý cơ quan thực hiện thanh kiểm tra đối với Công ty Cổ phần Thương mại AICA HPL với các vấn đề như sau:

YÊU CẦU THANH KIỂM TRA

Như vậy, từ những sai phạm nêu trên của Công ty ………… và căn cứ và Điều 13 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về: “Thanh tra bảo hiểm xã hội”, Điều 8 Nghị định 110/2017/NĐ-CP quy định về “Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở lao động thương binh và xã hội” và Quyền của người lao động quy định tại các Điều 6 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, Điều 5 Bộ luật lao động năm 2019, Điều 18 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, tôi kính đề nghị:

  1. Đề nghị Giám đốc Cơ quan Bảo hiểm xã hội quận ……………… phân công phòng/ban có trách nhiệm thanh kiểm tra Công ty …………..về việc trốn đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động, giải trình về sự chênh lệch việc đóng Bảo hiểm xã hội so với Quyết toán thuế thu nhập cá nhân của công ty qua các năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022 đồng thời làm đúng quy định của pháp luật về báo giảm người lao động nghỉ việc đối với trường hợp của tôi.
  2. Đề nghị Thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội thực hiện thanh kiểm tra Công ty ……………. về việc vi phạm các quy định về Luật lao động 2019, đồng thời xử phạt Đơn vị về những sai phạm nêu trên.
  3. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện việc thanh – kiểm tra liên ngành đối với Công ty ………………..để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tôi xin cam đoan những trình bày ở trên là đúng sự thật và chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật. Kính đề nghị Quý cơ quan sớm giải quyết yêu cầu nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Kính đề nghị Quý cơ quan gửi văn bản trả lời tôi về những vấn đề nêu trên. Mọi thông tin liên hệ xin gửi theo địa chỉ: ………………………

Người yêu cầu/ Tập thể người lao động yêu cầu

 

 

 

…………..

Xin chân thành cảm ơn!

 

Tài liệu gửi kèm:

1/ CCCD Bùi Đoàn Minh Châu (Bản sao);

2/ Biên bản hòa giải tranh chấp không thành;

3/ Đoạn tin nhắn trao đổi với phía Công ty ………..;

4/ Quá trình tham gia bảo hiểm xã hội;

5/ Đoạn ghi âm quá trình đối thoại, đối chất với Công ty …………;

6/ Các tài liệu chứng cứ khác kèm theo.

Trả lời

luatannam