Thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ dưới 6 tuổi
Con gái tôi năm nay 2 tuổi thì thẻ BHYT của cháu được hưởng bao nhiêu %? Khi tôi chuyển tuyến cho cháu từ tuyến tỉnh lên tuyến trung ương thì có được hỗ trợ chi phí đi lại không? Con gái tôi có làm thẻ BHYT với nơi đăng ký khám chữa bệnh ở Đồng Nai. Nay tôi chuyển hộ khẩu về Nghệ An vậy tôi có thể thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu cho con được không? Trong thời gian chờ cấp lại thẻ đó thì tôi cho con đi khám chữa bệnh như thế nào? Tôi cám ơn!
Với vấn đề thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ dưới 6 tuổi; Tổng đài tư vấn xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, về mức hưởng BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 14
1… b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với:
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
– Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
– Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
– Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;
– Trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo đó, con của bạn là trẻ em dưới 6 tuổi thì khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thứ hai, về vấn đề hỗ trợ chi phí vận chuyển từ tuyến tỉnh lên tuyến trung ương
Khoản 7 Điều 3 và Khoản 1 Điều 26 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
7. Trẻ em dưới 6 tuổi”.
“Điều 26. Thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh
1. Người tham gia bảo hiểm y tế thuộc đối tượng quy định tại các khoản 3, 4, 7, 8, 9 và 11 Điều 3 Nghị định này trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện lên tuyến trên, bao gồm:
a) Từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh;
b) Từ tuyến huyện lên tuyến trung ương”.
Theo quy định trên, nếu con của bạn được chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên tuyến trung ương thì không được quỹ bảo hiểm chi trả chi phí y tế.
Hỗ trợ tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về vấn đề thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật bảo hiểm sửa đổi, bổ sung năm 2014 và khoản 3 Điều 47 Quyết định 595/QĐ-BHXH: “ Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu quý.”
Như vậy, bạn có thể thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu cho cháu vào vào đầu mỗi quý.
Để có thể thay đổi nơi khám, chữa bệnh ban đầu, bạn phải thực hiện thủ tục đổi thẻ BHYT cho con bạn:
– Bạn liên hệ với cơ quan BHXH quận/huyện địa phương nơi cháu đã được cấp thẻ BHYT để được trả thẻ (có giấy xác nhận đã trả thẻ BHYT) và đem giấy xác nhận đến Ủy ban phường xã nơi bạn chuyển đến để được cấp thẻ BHYT mới.
– Cha, mẹ hoặc người giám hộ xuất trình giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực), Đơn đề nghị đổi lại thẻ BHYT theo mẫu D01-TS có ghi rõ địa chỉ nơi đi, Bản chính hoặc bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của cha mẹ, người giám hộ trẻ (nếu có), sổ tạm trú tại nơi chuyển đến.
Nơi tiếp nhận hồ sơ: UBND cấp xã/ phường nơi chuyển đến.
Thời hạn nộp hồ sơ: 10 ngày đầu của tháng đầu mỗi quý.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ em dưới 6 tuổi
Thứ tư, về vấn đề khám chữa bệnh trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:
“3. Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.”
Theo đó, trong thời gian chờ cấp lại thẻ, con bạn vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, khi đi khám, chữa bệnh, bạn cần mang theo giấy hẹn trả kết quả để thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế của cháu.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Thanh toán lại chi phí điều trị khi không mang thẻ bảo hiểm y tế
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Trẻ dưới 6 tuổi khám bệnh trái tuyến có được hưởng BHYT?
- Điều kiện, mức hưởng và hồ sơ xin hưởng chế độ dưỡng sức
- Chăm sóc người bị nhiễm chất độc màu da cam có được hưởng lương không?
- Thời gian nghỉ tối đa trên giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH khi nghỉ ngoại trú
- Địa chỉ thường trú trên sổ bảo hiểm xã hội không đúng với chứng minh thư
- Nghỉ việc 5 tháng có hưởng được BHTN không