Thủ tục tham gia BHYT tự nguyện khi đã nghỉ việc ở công ty
Tôi làm công ty có BHYT mà bây giờ tôi nghỉ việc và công ty tôi đã cắt bảo hiểm. Tôi nghe nói có thể tự tham gia BHYT tự nguyện khi đã nghỉ việc, không biết thủ tục như thế nào ạ? Cả nhà tôi đều đóng bảo hiểm theo đối tượng khác cả rồi, giờ tôi mua 1 mình thì có được giảm trừ mức đóng không? Khi nào tôi mới dùng được thẻ và tôi có được tính tiếp 5 năm liên tục không? Tôi cám ơn nhiều nhé!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Về thủ tục tham gia BHYT tự nguyện khi đã nghỉ việc ở công ty; chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất về thủ tục tham gia BHYT tự nguyện khi đã nghỉ việc ở công ty
Hồ sơ tham gia BHYT tự nguyện được quy định tại Điều 25 Quyết định 595/QĐ-BHXH
“Điều 25. Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT
1. Thành phần hồ sơ
1.1. Người tham gia
a) Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
b) Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật: Giấy ra viện có ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”.
c) Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.
1.2. UBND xã; Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; Đại lý thu/Nhà trường; Cơ quan BHXH: Danh sách người chỉ tham gia BHYT (Mẫu D03-TS).
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”
Như vậy, để tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) được ban hành mới nhất kèm theo Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020.
– Chứng minh thư nhân dân;
– Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (bản chính).
Bạn mang hồ sơ đến nộp tại UBND/bưu điện tại xã, phường nơi bạn có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
Thứ hai, về mức đóng BHYT tự nguyện khi đã nghỉ việc ở công ty
Căn cứ theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP:
“Điều 7. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
e) Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.”
Theo quy định trên, việc giảm trừ mức đóng BHYT tự nguyện chỉ được thực hiện khi nhiều người trong hộ cùng tham bảo hiểm này. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì cả nhà bạn đều đóng bảo hiểm theo đối tượng khác, hiện chỉ có bạn tham gia BHYT tự nguyện nên bạn sẽ không được giảm trừ mức đóng.
Bạn sẽ đóng BHYT theo mức đóng của người thứ nhất; tương đương với 804.600 đồng/năm (theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở sẽ là 1.490.000 đồng).
Luật sư tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172
Thứ ba, về thời điểm thẻ BHYT tự nguyện có hiệu lực
Căn cứ quy định tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP
“Điều 13. Thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng
8. Đối với đối tượng khác, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng từ ngày người tham gia nộp tiền đóng bảo hiểm y tế. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 4, Điều 5 và 6 Nghị định này tham gia bảo hiểm y tế lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ bảo hiểm y tế có thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 của Luật bảo hiểm y tế”.
Dẫn chiếu quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 16 của Luật bảo hiểm y tế năm 2014 thì sau 30 ngày từ ngày đóng bảo hiểm, thẻ bảo hiểm y tế sẽ có giá trị sử dụng.
Thứ tư, về vấn đề tham gia BHYT 5 năm liên tục
Khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 12. Thẻ bảo hiểm y tế
Thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành, phản ánh được các thông tin sau:
5. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng”.
Như vậy, khi bạn chuyển từ thẻ BHYT doanh nghiệp sang thẻ BHYT tự nguyện nhưng không bị gián đoạn quá 03 tháng thì bạn không bị tính thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục lại từ đầu.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục tham gia BHYT tự nguyện khi đã nghỉ việc ở công ty.
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề thủ tục tham gia BHYT tự nguyện khi đã nghỉ việc ở công ty, bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Thời điểm được sử dụng dịch vụ cao khi tham gia BHYT tự nguyện
- Phương án giảm bổ sung nguyên lương được hiểu thế nào
- Sinh con khi có thời gian nghỉ không lương có được hưởng thai sản?
- Nâng mức phí khi thay băng vết thương từ thời điểm nào?
- Thân nhân người đột tử được nhận tử tuất hay bảo hiểm một lần
- Chuyển tuyến theo yêu cầu của gia đình và mức quyền lợi về BHYT