Tiền lương để làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm
Đợt dịch bệnh này công ty tôi phải thu hẹp sản xuất nên phải tổ chức lại các phòng ban dẫn tới có 1 số người lao động phải nghỉ việc. Vậy là tôi phải trả trợ cấp mất việc làm cho những người này đúng không? Tôi có phải tính trả trợ cấp cho họ trong thời gian nghỉ thai sản; thử việc và nghỉ không lương không? Và tiền lương để làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là lương đóng bảo hiểm hàng tháng hay là lương thực nhận của người lao động? Tôi cám ơn!
- Trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc có khác nhau?
- Đồng thời hưởng bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp mất việc
Tổng đài tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về vấn đề trả trợ cấp mất việc làm
Căn cứ Khoản 1 Điều 44 và Khoản 1 Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1… Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này”.
“Điều 49. Trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương”.
Mặt khác, theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì tổ chức lại lao động như trường hợp của công ty bạn cũng là 01 trong các trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ. Công ty bạn sẽ phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên bị mất việc làm.
Thứ hai, về thời gian tính hưởng trợ cấp mất việc làm
Căn cứ Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định:
“a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động”.
Như vậy, thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định sẽ được tính để chi trả trợ cấp mất việc làm. Còn thời gian thử việc và nghỉ không hưởng lương sẽ không được tính.
Thứ ba, về tiền lương để làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm
Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
“Điều 8. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
1. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.”
Theo đó, tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm; bao gồm:
– Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận.
– Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
– Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật lao động trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
--> Mức hưởng trợ cấp mất việc làm tối thiểu theo quy định mới nhất
- Công ty có quyền khấu trừ tiền lương của NLĐ khi đi làm muộn không?
- Quy định ngày nghỉ hằng tuần có cần thể hiện trong nội quy lao động?
- Lao động tạp vụ có bắt buộc phải huấn luyện an toàn vệ sinh lao động?
- Mức phạt chậm đóng kinh phí công đoàn theo quy định do dịch Covid
- Năm 2021 khi nào NSDLĐ phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc?