Từ chối cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh có vi phạm?
Phụ nữ trong ngày hành kinh thì có được quyền lợi gì không? Tôi đang trong thời kì hành kinh nhưng khi đi làm tôi có xin công ty cho phép được nghỉ khoảng nửa tiếng nhưng công ty từ chối. Công ty có quyền từ chối không và việc nếu từ chối sai với quy định thì có bị phạt không? Khi mang thai thì lao động nữ có được về sớm nữa hay không? Xin cảm ơn tổng đài tư vấn rất nhiều.
- Lao động nữ được về sớm bao nhiêu ngày/tháng vì lý do hành kinh?
- Lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi có được nghỉ 60 phút/ngày?
Dịch vụ tư vấn Luật lao động qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, lao động nữ được nghỉ trong thời gian hành kinh
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 155 Bộ Luật lao động năm 2012 như sau:
“Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”
Bên cạnh đó, căn cứ theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP thì:
“Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
2. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
c) Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.”
Như vậy, theo quy định trên thì trong thời gian hành kinh người lao động sẽ được quyền nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng. Dẫn chiếu đến trường hợp của bạn; Bạn đang trong thời kì hành kinh nhưng khi đi làm bạn có xin công ty cho phép được nghỉ khoảng nửa tiếng nhưng công ty từ chối là không đúng quy định.
Thứ hai, từ chối cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh có vi phạm?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 và Khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 5. Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 Điều 6; khoản 3, 4, 6 Điều 12; khoản 2 Điều 24; khoản 1 Điều 25; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 26; khoản 5 Điều 40; các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 41; khoản 2, 4 Điều 42; khoản 1, 2 Điều 43; các khoản 1, 2, 3 Điều 44; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 45 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Điều 27. Vi phạm quy định về lao động nữ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
b) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.”
Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp NSDLĐ từ chối cho bạn nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.
Thứ ba, lao động nữ có được về sớm khi mang thai?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 Bộ Luật lao động năm 2012 như sau:
“Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.”
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07 mới được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
->Sử dụng lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi đi công tác xa