Nội dung câu hỏi:
Mọi người cho mình hỏi: mình làm việc tại công ty được hơn một năm rồi nhưng công ty không ký hợp đồng lao động với mình mà chỉ cho mình được tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy có đúng không ạ. Nhưng mình tìm hiểu thì chưa ký hợp đồng lao động thì không thể tham gia bảo hiểm xã hội được. Như vậy, công ty làm thế nào mà vẫn cho mình tham gia bảo hiểm xã hội được ạ?
- Xử phạt khi người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động
- Chưa chấm dứt hợp đồng cũ NLĐ có được ký hợp đồng lao động mới?
- Có thể ký liên tiếp 03 hợp đồng lao động xác định thời hạn hay không?
Với câu hỏi của bạn Tổng đài tư vấn xin trả lời bạn như sau:
Trách nhiệm ký Hợp đồng lao động sau khi tuyển dụng;
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:
“Điều 13. Hợp đồng lao động
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.”
Theo quy định trên, trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động theo một trong các loại Hợp đồng được quy định tại Điều 20 Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể:
“Điều 20. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn: bạn đã vào làm việc tại Công ty nhưng không thấy công ty ký kết Hợp đồng lao động với bạn nhưng vẫn tham gia BHXH cho bạn. Hành vi không giao kết Hợp đồng lao động với người lao động khi tuyển dụng là vi phạm pháp luật. Do đó, công ty sẽ bị xử phạt với lỗi không giao kết Hợp đồng lao động với người lao động.
Xử phạt khi công ty không giao kết Hợp đồng lao động với NLĐ;
Căn cứ theo quy định khoản 1, khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
…
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động được quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;
d) Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
đ) Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”
Như vậy, theo quy định trên: khi công ty bạn không giao kết Hợp đồng lao động với bạn khi đã tuyển dụng thì mức phạt sẽ là: 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, công ty bạn là tổ chức nên mức phạt sẽ là gấp 2 lần với cá nhân, cụ thể: 4.000.000 đồng – 10.000.000 đồng. Ngoài ra buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
Chưa giao kết Hợp đồng lao động thì có đóng BHXH được không?
Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 và Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì nếu như Công ty và người lao động chưa ký kết Hợp đồng lao động thì chưa thể tham gia Bảo hiểm xã hội được. Bởi, tiến trình khi sử dụng lao động và thực hiện việc đóng BHXH cho người lao động sẽ làm như sau:
Bước 01: Thực hiện phỏng vấn, tuyển dụng người lao động;
Bước 02: Nhận người lao động vào làm việc;
Bước 03: Giao kết Hợp đồng lao động;
Bước 04: Tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động;
Bước 05: Thực hiện hợp đồng lao động;
Bước 06: Kết thúc Hợp đồng lao động;
Như vậy, Hợp đồng lao động là căn cứ, là tiền đề để đóng BHXH cho người lao động. Do đó, nếu chưa ký Hợp đồng lao động thì chưa thể có căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế làm việc thì các bên thường làm ngược lại chứ không làm chuẩn theo các bước nêu trên;
Tại sao Công ty chưa giao kết Hợp đồng nhưng vẫn đóng được BHXH cho NLĐ;
Như đã phân tích ở trên, để đóng BHXH cho Người lao động thì Công ty cần phải giao kết Hợp đồng lao động. Dựa vào các nội dung về tiền lương, các khoản phụ cấp, thời hạn hợp đồng, loại hợp đồng để kê khai đóng BHXH. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều Doanh nghiệp sau khi tuyển dụng lao động chỉ thỏa thuận những vấn đề cơ bản và tham gia BHXH cho NLĐ luôn mà không cần ký HĐLĐ. Tại sao các Doanh nghiệp làm ngược lại với quy trình mà vẫn đóng được BHXH thì:
Lý do 1: Khi kê khai đóng BHXH cho NLĐ trên cơ quan BHXH thì không cần phải gửi Hợp đồng lao động lên trên cơ quan BHXH để kiểm tra chính vì thế việc ký hợp đồng lao động bằng văn bản có hay không không phải là điều quyết định để đóng BHXH;
Lý do 2: Hồ sơ tham gia BHXH cho NLĐ hiện nay được thực hiện toàn bộ trên hệ thống phần mềm BHXH mà không cần kê khai bản giấy, do đó, khi kê khai online thì không có phải có chữ ký của NLĐ. Việc các bên thỏa thuận sau khi tuyển dụng được ngầm hiểu là đã giao kết Hợp đồng và dựa vào đó công ty sẽ đóng BHXH cho NLĐ đủ điều kiện tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Sau này in hợp đồng và hai bên ký sau cũng không sao.
Lý do 3: Khi đóng BHXH cho NLĐ cần kê khai trên mẫu D02-LT thì chỉ yêu cầu kê các thông tin liên quan đến cá nhân NLĐ và thông tin trong Hợp đồng như: tiền lương, loại hợp đồng, phụ cấp…. do đó, việc có ký Hợp đồng hay chưa không quan trọng.
Lý do 4: Các loại giấy tờ cần có để đóng BHXH là Căn cước công dân của NLĐ, thông tin trên Hợp đồng: tiền lương, phụ cấp, thời hạn hợp đồng…. Do đó, bước đầu các bên thỏa thuận miệng với nhau cũng đã đóng được BHXH rồi, còn các thông tin khác để đóng BHXH Công ty có thể yêu cầu NLĐ cung cấp khá là đơn giản,.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:
- Công ty có bị xử phạt khi không ký hợp đồng lao động?
- Sau một năm làm việc mới ký hợp đồng lao động có đúng không?
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Giải quyết chế độ thai sản cho lao động nam khi vợ không đóng BH
- Người hoạt động không chuyên trách có tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh sinh viên năm 2021
- Giá trị sử dụng thẻ BHYT bắt đầu từ khi nào?
- Nghỉ việc trước khi sinh thì hồ sơ thai sản gồm giấy tờ gì và nộp ở đâu?