Nội dung câu hỏi:
Xin tư vấn giùm em về: Có thể chuyển viện từ tuyến huyện lên tuyến trung ương được không? Con em mới sinh được 2 tháng tuổi, cháu sinh ra liền bị dị tật không có hậu môn ạ. Lúc sinh là sinh tại tuyến huyện tỉnh Nghệ An còn phẫu thuật ngay sau đó tại bệnh viện nhi của tỉnh. Hiện tại cháu đủ điều kiện phẫu thuật nên gia đình muốn đưa cháu ra Hà Nội phẫu thuật. Nhưng bệnh viện không cho giấy chuyển viện.
Nên gia đình em tính xin tạm trú ở tuyến huyện ngoài Hà Nội rồi sau đó đưa con ra khám ở bệnh viện tuyến huyện để xin chuyển trung ương như vậy có tính là đúng tuyến không ạ? Trong khi con em có bảo hiểm y tế đăng kí tại tuyến huyện Nghệ An. Mong tổng đài tư vấn sớm hồi âm?
- Mức hưởng BHYT của trẻ dưới 6 tuổi khi điều trị trái tuyến trung ương?
- Điều kiện được cấp giấy chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên
- Mức hưởng bảo hiểm y tế của trẻ dưới 6 tuổi khi khám bệnh không đúng tuyến
- Trẻ em có được hưởng chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên không?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn: Có thể chuyển viện từ tuyến huyện lên tuyến trung ương được không, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước.
Căn cứ vào Điều 81 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước như sau:
Điều 81. Hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.\
2. Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bao gồm 4 tuyến như sau:
a) Tuyến trung ương;
b) Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
d) Tuyến xã, phường, thị trấn.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến dưới.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của từng tuyến quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Như vậy, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện nay của Nhà nước bao gồm 4 tuyến là tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã hay còn được gọi là tuyến 1, 2, 3, 4 và được bộ y tế phân tuyến chuyên môn, kĩ thuật.
Tuyến huyện bao gồm những cơ sở y tế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 40/2015/TT-BYT và Công văn số 978/BYT-BH của Bộ Y tế ban hành ngày 25/02/2016, tuyến huyện bao gồm những cơ sở y tế sau đây:
– Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
– Trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế huyện có phòng khám đa khoa;
– Phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa khu vực; Nhà hộ sinh, Nhà hộ sinh khu vực, Phòng khám chuyên khoa tư nhân;
– Bệnh viện đa khoa hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các Bộ, Ngành hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các Bộ, Ngành;
– Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;
– Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;
– Phòng Y tế, Bệnh xá trực thuộc Bộ Công an, Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Trung tâm y tế quân – dân y, Bệnh xá quân y, Bệnh xá quân – dân y, Bệnh viện quân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, bệnh viện quân – dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Có thể thấy rằng, các cơ sở y tế tuyến huyện hay thường được gọi là cơ sở y tế tuyến 3 không phải là những cơ sở y tế lớn và không có chuyên môn, kĩ thuật cũng như cơ sở vật chất ở mức cao.
Tuyến trung ương bao gồm những cơ sở y tế nào?
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 40/20215/TT-BYT đã liệt kê các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tuyến trung ương và tương đương gồm:
– Bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế;
– Bệnh viện chuyên khoa, Viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế có Phòng khám đa khoa hoặc không có Phòng khám đa khoa (theo Công văn số 978/BYT-BH);
– Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Thống Nhất trực thuộc Bộ Y tế;
– Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Y học cổ truyền Quân đội, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Hiện nay, Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế đã niêm yết công khai danh sách 34 bệnh viện thuộc tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế gồm:
- Bệnh viện Bạch Mai
- Bệnh viện Chợ Rẫy
- Bệnh viện C Đà Nẵng
- Bệnh viện Châm cứu Trung ương
- Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
- Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ
- Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương
- Bệnh viện E
- Bệnh viện Hữu Nghị
- Bệnh viện Trung ương Huế
- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên
- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam
- Bệnh viện K
- Bệnh viện Phổi Trung ương
- Bệnh viện 74 Trung ương
- Bệnh viện Mắt Trung ương
- Bệnh viện Nhi Trung ương
- Bệnh viện Nội tiết
- Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương
- Bệnh viện Phong – Da liễu trung ương Quỳnh Lập
- Bệnh viện Phong – Da liễu trung ương Quy Hòa
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2
- Bệnh viện Thống Nhất
- Bệnh viện Việt Nam – Cuba Đồng Hới
- Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí
- Bệnh viện Việt Đức
- Bệnh viện 71 Trung Ương
- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
- Bệnh viện Lão khoa Trung ương
- Bệnh viện Da liễu Trung ương
Cùng với đó, Thông tư 46/2016/TT-BQP cũng công bố các bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Quốc phòng gồm:
- Bệnh Viện 108
- Bệnh viện quân y 175
- Viện Y học cổ truyền Quân đội
- Bệnh viện quân y 103
- Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác
Qua danh sách cập nhật những cơ sở y tế được xếp vào tuyến trung ương hay còn gọi là tuyến 1 có thể thấy rằng đây toàn là những cơ sở y tế có chuyên môn, kĩ thuật đứng đầu trong hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Bệnh viện Nhi Trung Ương cũng là một trong những bệnh viện tuyến trung ương đứng đầu về chuyên môn, kĩ thuật khám, chữa bệnh cho trẻ em trên phạm vi toàn quốc.
Tư vấn bảo hiểm y tế trực tuyến 24/7: 1900 6172
Có thể chuyển viện từ tuyến huyện lên tuyến trung ương được không?
Theo Điều 6 Thông tư 30/2020/TT-BYT thì có 8 trường hợp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến bao gồm:
(1) Người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.
(2) Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh.
Trường hợp trẻ em chưa có thẻ BHYT do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản (2) này.
(3) Người có thẻ BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.
Bác sĩ hoặc y sỹ đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu đối với người bệnh, ghi vào hồ sơ bệnh án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
(4) Người có thẻ BHYT được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định, bao gồm:
– Được chuyển tuyến theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT.
Hồ sơ chuyển tuyến gồm giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP và các giấy tờ khác (nếu có);
– Được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, bao gồm: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh đang điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú;
– Được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 04/2016/TT-BYT.
(5) Người có thẻ BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lưu bản chụp giấy tờ quy định tại điểm này trong hồ sơ bệnh án điều trị của người bệnh đó.
(6) Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
(7) Người đã hiến bộ phận cơ thể của mình phải điều trị ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
(8) Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.
Như vậy, bảo hiểm y tế của con bạn đăng kí tại tuyến huyện Nghệ An nhưng có giấy chuyển tuyến đến bệnh viện Nhi tỉnh Nghệ An để phẫu thuật hậu môn thì được xác định là đúng tuyến. vì việc chuyển tuyến đó là chuyển từ tuyến 3 lên tuyến 2.
Việc gia đình bạn muốn chuyển con bạn ra Hà Nội để làm phẫu thuật và xin chuyển viện từ tuyến huyện ở Hà Nội lên tuyến trên thì vẫn được tính là đúng tuyến. Tuy nhiên, để xác định có thể chuyển viện từ tuyến huyện (tuyến 3) lên thẳng tuyến trung ương (tuyến 1) được hay không cần căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 14/2014-TT-BYT quy định:
“Điều 4: Các hình thức chuyển tuyến:
1. Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên:
a) Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề theo trình tự: tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến
b) Chuyển người bệnh không theo trình tự quy định tại Điểm a khoản này nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này.”
Theo đó, chuyển tuyến theo thứ tự là từ Bệnh viện huyện lên bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh lên bệnh viện trung ương (tuyến 3 lên tuyến 2 rồi từ tuyến 2 lên tuyến 1) thì mới coi là đúng tuyến trừ khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn. Vì vậy, chỉ có thể chuyển con bạn từ tuyến huyện lên tuyến trung ương nếu cơ sở bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố không có dịch vụ kĩ thuật phù hợp để điều trị cho con của bạn. nếu Cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố đã được bộ y tế phân tuyến chuyên môn, kĩ thuật điều trị được bệnh cho con của bạn thì bệnh viện tuyến huyện sẽ phải làm thủ tục chuyển bé lên bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trước.
Quyền lợi bảo hiểm y tế của trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014:
“Điều 12: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế:
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
e) Trẻ em dưới 6 tuổi;”
Và quy định tại điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
“Điều 22: Mức hưởng bảo hiểm y tế:
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;
3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;”
Như vậy, con bạn chỉ 2 tháng tuổi nên tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, trường hợp con bạn đi phẫu thuật đúng tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương thì mức hưởng sẽ là 100% chi phí trong phạm vi chi trả bảo hiểm và ngược lại, nếu phẫu thuật trái tuyến trung ương mà nội trú sẽ được thanh toán 40% chi phí.
Lưu ý: Con bạn đi phẫu thuật hậu môn, bạn cần liên hệ với bác sỹ tại bệnh viện hoặc xem tại Thông tư 13/2019/TT-BYT xem dịch vụ này có nằm trong danh mục chi trả của BHYT hay không, nếu có thì con bạn sẽ được bảo hiểm y tế chi trả tùy theo trường hợp trái tuyến hay đúng tuyến. Nếu không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả thì sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết:
- Bảo hiểm y tế của trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám trái tuyến
- Trẻ dưới 6 tuổi bị mất thẻ BHYT có được trả chi phí khám chữa bệnh?
Trên đây là quy định của pháp luật về: Có thể chuyển viện từ tuyến huyện lên tuyến trung ương được không. Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Công nhân làm việc 21 ngày trở xuống trong tháng thì có phải nộp BHXH không?
- Thủ tục và phí khi làm lại thẻ bảo hiểm y tế cho sinh viên
- Thời gian cấp thẻ BHYT khi thay đổi nơi KCB ban đầu trong bao lâu?
- Người hiến bộ phận cơ thể đi điều trị chưa có thẻ thì có được hưởng BHYT không?
- Đóng bảo hiểm 23 năm có được rút BHXH 1 lần hay không?