19006172

Có được nhận chế độ dân công hỏa tuyến khi đã qua đời?

Có được nhận chế độ dân công hỏa tuyến khi đã qua đời?

Ông của em là dân công hỏa tuyến trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đến giờ gia đình em mới biết đến chế độ này nhưng ông của em mới mất cuối tháng 11. Cho em hỏi là ông có được nhận chế độ trợ cấp dành cho dân công hỏa tuyến khi ông đã qua đời hay không ạ? Gia đình em có được nhận tiền làm tang cho ông em nữa hay không? Nếu được hưởng thì gia đình em phải làm thủ tục như thế nào vậy ạ? Mong tổng đài sớm giải đáp! Em cám ơn nhiều!



Chế độ dân công hỏa tuyến khi qua đời

Dịch vụ tư vấn Chế độ chính sách trực tuyến 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về trợ cấp dân công hỏa tuyến

Căn cứ Điều 5 Thông tư 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC quy định:

“Điều 5. Chế độ trợ cấp một lần

1. Đối tượng có đủ điều kiện theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này được hưởng chế độ trợ cấp một lần ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến, cụ thể như sau:

a) Dưới 01 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng;

b) Đủ 01 năm đến dưới 02 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng;

c) Từ đủ 02 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.

2. Người đã từ trần thì một trong những thân nhân sau đây của người từ trần: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên”.

Như vậy, dù đã qua đời nhưng ông của bạn vẫn được nhận trợ cấp 01 lần dành cho dân công hỏa tuyến nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 2 và Điều 3 Quyết định 49/2015/QĐ-TTg như sau:

– Tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc từ tháng 02 năm 1979 đến tháng 12 năm 1988; địa bàn thực hiện nhiệm là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.

– Còn một trong những thân nhân sau đây của người từ trần: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Nếu đủ điều kiện thì trợ cấp của ông bạn sẽ được trả cho 01 trong số các thân nhân nêu trên với mức cụ thể là: 

– Dưới 01 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng;

– Đủ 01 năm đến dưới 02 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng;

– Từ đủ 02 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.

Thứ hai, về thủ tục hưởng trợ cấp 1 lần

Căn cứ Điều 10 Thông tư 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC quy định:

“Điều 10. Hồ sơ, trình tự thực hiện chế độ trợ cấp một lần

1. Hồ sơ của đối tượng để xét hưởng chế độ, bao gồm:

a) Bản khai cá nhân

– Đối với dân công hỏa tuyến còn sống lập theo mẫu số 1A kèm theo Thông tư này;

– Đối với đối tượng đã từ trần, thân nhân của đối tượng lập theo mẫu số 1B kèm theo Thông tư này.

b) Giấy tờ tham gia dân công hỏa tuyến (nếu có)…”

Theo đó, thân nhân sẽ nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú các giấy tờ sau đây:

– Bản khai cá nhân theo mẫu số 1B kèm theo Thông tư 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC;

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã, một trong các giấy tờ thể hiện tham gia dân công hỏa tuyến, gồm: Lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên khai trước ngày Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, trong đó có thể hiện thời gian tham gia dân công hỏa tuyến; danh sách các đợt huy động tham gia dân công hỏa tuyến của địa phương; hồ sơ hưởng chính sách người có công, hưởng bảo hiểm xã hội có khai thời gian tham gia dân công hỏa tuyến.

Thứ ba, về vấn đề nhận trợ cấp mai táng

Điều 7 Thông tư 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC quy định như sau:

“Điều 7. Trợ cấp mai táng phí

1. Đối tượng có đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này, khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Trường hợp đối tượng đã từ trần trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì người lo mai táng không được hưởng trợ cấp mai táng phí.

3. Trường hợp đối tượng từ trần kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi mà chưa có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần của cấp có thẩm quyền thì khi có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định”.

Theo đó, ông của bạn mất vào tháng 11/2019 thì khi có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí bằng 14.900.000 đồng.

Thứ tư, về thủ tục nhận trợ cấp mai táng

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC:

“Điều 12. Hồ sơ, trình tự thực hiện trợ cấp mai táng phí

1. Hồ sơ của thân nhân đối tượng để xét hưởng trợ cấp mai táng phí, gồm:

a) Bản trích sao quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần của đối tượng đã từ trần;

b) Giấy chứng tử.

2. Trình tự thực hiện trợ cấp mai táng phí

a) Đối với thân nhân đối tượng

Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…”

Như vậy, gia đình bạn cần chuẩn bị:

– Bản trích sao quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần của ông bạn;

– Giấy chứng tử.

Hồ sơ này nộp tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn chế độ chính sách trực tuyến 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

-> Dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc

luatannam