19006172

Áp dụng lương tối thiểu vùng 2020 cho người lao động đã qua học nghề

Áp dụng lương tối thiểu vùng 2020 cho người lao động đã qua học nghề

Xin chào tổng đài tư vấn, cho tôi hỏi về vấn đề như sau: Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP sẽ được áp dụng chính thức vào thời điểm nào vậy ạ? Việc áp dụng lương tối thiểu vùng cho lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề gồm những đối tượng nào từ năm 2020? Có thể cung cấp thông tin về mức lương mới của từng vùng được không ạ? Đối với người đã qua học nghề thì mức lương sẽ phải cao hơn lương tối thiểu vùng đúng không? Mong tổng đài tư vấn giúp tôi, tôi xin cảm ơn.



Áp dụng lương tối thiểu vùng 2020

Tổng đài tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về hiệu lực thi hành của Nghị định 90/2019/NĐ-CP 

Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

“Điều 6. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thực hiện

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.”

Theo đó, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng của người lao động sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Thứ hai, về đối tượng NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề 

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định các đối tượng được áp dụng lương tối thiểu vùng cho lao động có đã qua học nghề, đào tạo nghề, cụ thể như sau:

+) Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90-CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;

+) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật Giáo dục năm 1998 và Luật Giáo dục năm 2005;

+) Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật Dạy nghề;

+) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm;

+) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;

+)Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;

+) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;

+) Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.

Thứ ba, về mức lương tối thiểu vùng năm 2020

Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

+) Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I áp dụng mức 4.420.000 đồng/tháng;

+) Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II áp dụng mức 3.920.000 đồng/tháng;

+) Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III áp dụng mức 3.430.000 đồng/tháng;

+) Đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV áp dụng mức 3.070.000 đồng/tháng,

Thứ tư, mức lương của người đã qua học nghề, đào tạo nghề

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

“Điều 5. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng

1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo đó, mức lương đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề sẽ phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Trên đây là bài viết về vấn đề Áp dụng lương tối thiểu vùng 2020 cho người lao động đã qua học nghề.

Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

->Có được trả lương theo sản phẩm thấp hơn lương tối thiểu vùng?

luatannam