19006172

Bổ sung thêm trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ từ năm 2021

Bổ sung thêm trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ từ năm 2021

Tôi hiện nay đang làm bên mảng nhân sự và lao động của công ty, tôi đang có vấn đề cần hỏi như sau: Hiện nay theo quy định của Bộ luật lao động thì chỉ có 5 trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng tôi nghe nói Bộ luật lao động năm 2019 đã bổ sung thêm 1 vài trường hợp nữa đúng không ạ? Cụ thể như thế nào và bao giờ có thể áp dụng quy định này được? Xin cảm ơn rất nhiều.



thêm trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ

Luật sư tư vấn Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định hiện hành về tạm hoãn thực hiện HĐLĐ

Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

“Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.

2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

5. Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.”

Như vậy, theo quy định trên thì hiện nay có 5 trường hợp NLĐ và NSDLĐ được phép tạm hoãn thực hiện HĐLĐ.

Thứ hai, bổ sung thêm trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ từ năm 2021

Căn cứ theo quy định tại Đều 30 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:

“Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;

đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 220 Bộ luật lao động năm 2019 thì:

“Điều 220. Hiệu lực thi hành

1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.”

Như vậy, theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đã bổ sung thêm các trường hợp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ gồm:

+) Người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

+) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

+) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

+) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

Có được tạm hoãn HĐLĐ trong thời gian dịch bệnh Covid-19?

Quay lại làm việc khi hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ năm 2020

luatannam