19006172

Cách lập sổ quản lý lao động theo quy định hiện hành

Cách lập sổ quản lý lao động theo quy định hiện hành

Cho tôi hỏi về cách lập sổ quản lý lao động hiện nay như thế nào vậy? Sổ cần có những nội dung gì thế? Chúng tôi có cả người thử việc; người lao động đã nghỉ hưu nay tiếp tục làm việc nhưng không đóng bảo hiểm và lao động 17 tuổi thì có cần đưa vào sổ này hay không? Khi nào chúng tôi phải lập sổ này và lập xong thì có cần trình đến các cơ quan nhà nước hay không? Tôi cám ơn!



Cách lập sổ quản lý lao động

Dịch vụ hỗ trợ tư vấn Luật Lao động trực tuyến 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn về cách lập sổ quản lý lao động đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, về các nội dung của sổ quản lý lao động

Theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH thì sổ quản lý lao động phải đảm bảo các nội dung cơ bản về người lao động sau đây:

– Họ và tên, giới tính, năm sinh, quốc tịch, địa chỉ, số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu);

– Trình độ chuyên môn kỹ thuật;

– Bậc trình độ kỹ năng nghề;

– Vị trí việc làm;

– Loại hợp đồng lao động;

– Thời điểm bắt đầu làm việc;

– Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

– Tiền lương;

– Nâng bậc, nâng lương;

– Số ngày nghỉ trong năm, lý do;

– Số giờ làm thêm (vào ngày thường; nghỉ hằng tuần; nghỉ hằng năm; nghỉ lễ, tết);

– Hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

– Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;

– Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;

– Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do.

Lưu ý:

Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức sổ quản lý lao động bằng bản giấy hoặc bản điện tử phù hợp với nhu cầu quản lý.

Thứ hai, về những người lao động được đưa vào sổ quản lý lao động

Căn cứ quy định tại Điều 3; Điều 161; Điều 166 và Điều 187 Bộ luật lao động năm 2012 như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.

“Điều 161. Lao động chưa thành niên

Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi”.

“Điều 166. Người lao động cao tuổi

1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này”.

“Điều 187. Tuổi nghỉ hưu

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.

Theo đó, có thể thấy người thử việc chỉ làm việc theo hợp đồng thử việc chứ không phải là hợp đồng lao động. Vì thế người này chưa được xác định là người lao động và không phải ghi nhận trong sổ quản lý lao động.

Còn người cao tuổi và người 17 tuổi khi đã được ký hợp đồng lao động thì công ty vẫn phải ghi nhận những người này trong sổ quản lý lao động.

Thứ ba, về thời điểm lập và vấn đề nộp sổ quản lý lao động

Khoản 1 và Khoản 4 Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH quy định:

“Điều 7. Lập, quản lý và sử dụng sổ quản lý lao động

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động đúng mục đích và xuất trình khi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện; thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan nhà nước có liên quan yêu cầu”.

Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Người sử dụng lao động không cần nộp sổ này đến cơ quan Nhà nước nào mà chỉ phải xuất trình khi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện; thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan nhà nước có liên quan yêu cầu.

Nếu còn vướng mắc về cách lập sổ quản lý lao động; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn trực tiếp.

--> Một số vấn đề cần biết về sổ quản lý lao động của doanh nghiệp

luatannam