19006172

Có được thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do dịch bệnh Covid-19?

Có được thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do dịch bệnh Covid-19?

Xin chào tổng đài tư vấn, cho tôi hỏi về vấn đề như sau: Đơn vị tôi có trụ sở chính và đa số NLĐ hoạt động tại địa bàn Hà Nội. Trước tình trạng dịch bệnh Corona diễn biến ngày càng lan rộng ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và doanh thu của công ty thì công ty tôi muốn thỏa thuận để chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn với 2 người lao động đang làm việc ở vị trí kế toán và 1 nhân viên bảo vệ có được không? Trường hợp thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do dịch bệnh công ty có phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho 2 người này không? Thời gian mà NLĐ thử việc có được tính thời gian làm việc để hưởng trợ cấp thôi việc không? Mong tổng đài tư vấn giúp tôi.



Thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do dịch bệnh

Luật sư tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, có được thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do dịch bệnh Covid-19?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.”

Như vậy, theo quy định trên thì thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng và quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Dẫn chiếu đến trường hợp của bạn; Đơn vị bạn có trụ sở chính và đa số NLĐ hoạt động tại địa bàn Hà Nội. Trước tình trạng dịch bệnh Corona diễn biến ngày càng lan rộng ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và doanh thu của công ty. Do đó, công ty bạn có thể thỏa thuận để chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn với 2 người lao động đang làm việc ở vị trí kế toán và 1 nhân viên bảo vệ.

Thứ hai, trợ cấp thôi việc khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do dịch Covid-19

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 thì:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Như vậy, khi người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của tình trạng dịch bệnh Covid-19 thuộc trường hợp được giải quyết được trợ cấp thôi việc theo quy định. Tuy nhiên, bạn cần xem xét cụ thể thời gian làm việc của NLĐ để giải quyết tiền trợ cấp thôi việc.

Thứ ba, thời gian thử việc có được xem là thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP như sau:

“3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó:

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động.”

Theo đó, thời gian thử việc sẽ không được coi là thời gian thực tế người lao động làm việc để tính trợ cấp thôi việc.

Trên đây là bài viết về vấn đề Có được thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ do dịch bệnh Covid-19?

Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

->Có thể chuyển NLĐ làm công việc khác vì lý do dịch bệnh không?

luatannam