Giờ tăng ca theo luật lao động được hiểu như thế nào?
Giờ tăng ca theo luật lao động được hiểu như thế nào? Em làm công ty dệt và làm việc theo 3 ca cụ thể như sau: Ca sáng từ 6h-2h chiều; Ca chiều từ 2h-10h tối và Ca tối 10h-6h sáng. Bình thường mỗi ngày bọn em làm một ca, mỗi ca 8 tiếng và xoay vòng cho nhau theo tháng. Mỗi tháng bọn em có 2 hôm phải làm 12 tiếng. Việc bọn em làm thêm 4 tiếng so với ngày bình thường có được gọi là tăng ca không và cách tính tiền tăng ca như thế nào ạ? Lương cơ bản của em tại công ty hiện nay là 3.770.000 đồng. Tiền lương khi tăng ca bọn em có phải trích ra đóng BHXH không ạ? Và trong trường hợp em không muốn tăng ca thì có được quyền từ chối không ạ? Mong tổng đài tư vấn giúp em với ạ. Em xin cảm ơn.
- Thời gian trực đêm của bác sĩ có coi là thời gian làm thêm giờ không?
- Xác định ngày công làm việc trong tháng khi NLĐ có làm thêm giờ
Dịch vụ tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định giờ tăng ca theo luật lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 104 và Khoản 1 Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012 như sau:
“Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Điều 106. Làm thêm giờ
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.”
Theo đó, thời giờ làm việc bình thường của người lao động sẽ không quá 08 giờ trong 01 ngày, trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày. Khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được xác định là thời gian làm thêm giờ.
Dẫn chiếu đến trường hợp của bạn; Bạn làm công ty dệt và làm việc theo 3 ca cụ thể: Ca sáng từ 6h-2h chiều; Ca chiều từ 2h-10h tối và Ca tối 10h-6h sáng. Bình thường mỗi ngày sẽ làm một ca, mỗi ca 8 tiếng và xoay vòng theo tháng. Mỗi tháng bạn có 2 hôm phải làm 12 tiếng. Việc bạn làm thêm 4 tiếng so với ngày bình thường sẽ được xác định là giờ tăng ca theo quy định.
Thứ hai, về cách tính tiền lương tăng ca
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 97 Bộ luật lao động năm 2012 thì:
“Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
Như vậy, do bạn không cung cấp cụ thể thông tin về việc tăng ca vào ngày thường hay ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ; tăng ca vào ban ngày hay ban đêm nên bạn có thể căn cứ vào quy định trên để xác định cách tính cụ thể đối với từng trường hợp.
Thứ ba, về tiền lương tăng ca có phải đóng BHXH không?
Căn cứ theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ- BHXH như sau:
“Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
2. Tiền lương do đơn vị quyết định
2.2. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.”
Bên cạnh đó, tại Điều 21 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP như sau:
“Điều 21. Tiền lương
1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:
a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;”
Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH thì:
“3. Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
b) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.”
Như vậy, đối với tiền làm thêm giờ của bạn không được xác định được mức tiền cụ thể, không phải khoản trả thường xuyên nên sẽ thuộc Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH và sẽ không tính đóng BHXH.
Thứ tư, về việc từ chối làm thêm giờ
Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 116 Bộ Luật lao động năm 2012 như sau:
“Điều 106. Làm thêm giờ
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;”
Như vậy, một trong những điều kiện để người sử dụng lao động sử dụng NLĐ làm thêm giờ là được sự đồng ý của NLĐ về việc làm thêm giờ, trừ trường hợp đặc biệt được quy định Điều 107 Bộ luật lao động năm 2012. Vì vậy, bạn vẫn có quyền từ chối làm thêm giờ khi công ty yêu cầu.
Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
->Lao động nữ nuôi con trên 12 tháng tuổi có được làm thêm giờ?
- Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu khi người ký kết không đúng thẩm quyền
- Nghỉ việc khi hết thời hạn thử việc có cần được công ty cho phép?
- Hiệu trưởng có phải đóng đoàn phí công đoàn hay không?
- Công ty không ký hợp đồng sau thử việc với NLĐ có đúng không?
- Được đi làm trễ hay về sớm 1 tiếng trong thời gian lao động nữ mang thai?