Làm thế nào để gia hạn giấy phép cho thuê lại lao động?
Công ty tôi muốn được gia hạn giấy phép cho thuê lại lao động sắp hết hạn thì phải làm như thế nào thế ạ? Chúng tôi được gia hạn mấy lần và thời gian gia hạn thêm là bao lâu? Mong sớm nhận được phản hồi của các bạn! Tôi cám ơn nhiều!
- Cho mượn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động có bị xử phạt?
- Xử phạt doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động không có giấy phép
Hỗ trợ tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thủ tục gia hạn giấy phép cho thuê lại lao động
Căn cứ Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2019/NĐ-CP có quy định:
“Điều 10. Gia hạn giấy phép
2. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép bao gồm:
a) Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản quy định tại các Khoản 2 và Khoản 6 Điều 8 Nghị định này;
c) Các văn bản quy định tại các Khoản 3, 4 và Khoản 5 Điều 8 Nghị định này đối với trường hợp doanh nghiệp đề nghị gia hạn giấy phép đồng thời thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép thực hiện theo trình tự, thủ tục cấp giấy phép quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định này.
4. Đối với doanh nghiệp không đảm bảo quy định theo Khoản 1 Điều này hoặc thuộc trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do không gia hạn”.
Như vậy, để đề nghị gia hạn giấy phép cho thuê lại lao động thì bạn cần chuẩn bị:
– Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 29/2019/NĐ-CP;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh cho thuê lại lao động theo Mẫu số 05 Nghị định số 29/2019/NĐ-CP.
– Nếu đồng thời thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chuẩn bị thêm các văn bản quy định tại các Khoản 3, 4 và Khoản 5 Điều 8 Nghị định số 29/2019/NĐ-CP.
Bạn nộp hồ sơ nêu trên đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp của bạn đặt trụ sở chính trước thời điểm hết hiệu lực của giấy phép 60 ngày làm việc.
Thời hạn tối đa để giải quyết cho bạn là 27 ngày làm việc; trường hợp không gia hạn giấy phép thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do.
Lưu ý:
Để được gia hạn giấy phép thì công ty bạn phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
– Bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định số 29/2019/NĐ-CP;
– Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động cho thuê lại lao động từ 02 lần trở lên trong thời hạn của giấy phép liền kề trước đó;
– Tuân thủ đầy đủ chế độ báo cáo quy định tại Nghị định số 29/2019/NĐ-CP.
Thứ hai, về thời hạn của giấy phép cho thuê lại lao động sau khi được gia hạn
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 29/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 7. Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
3. Thời hạn của giấy phép được quy định như sau:
a) Thời hạn giấy phép tối đa là 60 tháng;
b) Giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng;
c) Thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó”.
Theo đó, giấy phép cho thuê lại lao động sẽ được gia hạn nhiều lần; mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7 về lao động 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
--> Năm 2020 những công việc nào được cho thuê lại lao động?