Người lao động hưởng lương như thế nào khi đi làm vào ngày nghỉ tết?
Xin chào! Tôi là công nhân ở 1 công ty da giày. Tôi muốn hỏi đợt nghỉ tết nguyên đán sắp tới thì công nhân chúng tôi có được nghỉ tết bằng với cán bộ, công chức Nhà nước hay không? Thời gian nghỉ tết do yêu cầu đơn hàng mà công ty tôi đang huy động người lao động đăng ký đi làm vào đợt nghỉ tết đó. Không biết công ty có quyền đó không? Tôi sẽ được hưởng lương như thế nào khi đi làm vào ngày nghỉ tết đó? Nếu công ty trả lương không đúng cho tôi thì công ty có bị phạt nặng không?
Tư vấn Luật Lao động trực tuyến 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về lịch nghỉ tết nguyên đán của người lao động làm việc tại công ty
Căn cứ Điểm b Khoản 1 và Khoản 3 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 115. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);…
… 3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”.
Bên cạnh đó, Điều 8 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 8. Nghỉ Tết Âm lịch
1. Thời gian nghỉ Tết Âm lịch theo Khoản 1 Điều 115 của Bộ luật lao động do người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày”.
Bạn cho biết bạn là người lao động tại công ty da giày nên các chế độ của bạn được giải quyết theo Bộ luật lao động năm 2012. Cụ thể thời gian nghỉ nguyên đán sẽ do người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch chứ không nhất thiết là phải theo lịch nghỉ tết của cán bộ, công chức, viên chức.
Lưu ý:
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
– Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết: Lao động thử việc có được hưởng lương ngày nghỉ lễ không?
Thứ hai, về vấn đề công ty huy động người lao động làm việc vào ngày nghỉ tết
Căn cứ Khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Được sự đồng ý của người lao động;
– Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
– Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Nếu công ty của bạn đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì vẫn có thể huy động người lao động đi làm vào đợt nghỉ tết nguyên đán.
Thứ ba, về mức lương khi đi làm vào ngày nghỉ tết
Căn cứ Điều 97 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày…”
Như vậy, nếu bạn đăng ký đi làm vào dịp nghỉ tết nguyên đán thì bạn sẽ được hưởng ít nhất bằng 300% tiền lương chưa kể tiền lương ngày tết đó.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết: Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ hàng tuần
Thứ tư, vấn đề xử phạt công ty vi phạm quy định về trả lương cho người lao động khi làm việc vào ngày nghỉ tết
Căn cứ Khoản 3 Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động khi đi làm vào ngày nghỉ tết sẽ bị phạt tiền với mức như sau:
– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
– Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Tuy nhiên, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật lao động trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Thay đổi ngày nghỉ lễ, Tết có cần sự đồng ý của người lao động?
- Các ngành nghề được tiếp tục hoạt động khi thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội
- Người lao động chưa ký hợp đồng nhưng đã nghỉ việc thì làm sao?
- Nghỉ ốm đau có được tính vào thời hạn báo trước khi chấm dứt HĐLĐ?
- Yêu cầu người lao động đi làm vào thứ bảy và chủ nhật
- Quy định về hợp đồng học việc theo pháp luật hiện hành