Sửa đổi thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục trái quy định bị phạt như thế nào?
Xin chào tổng đài tư vấn, cho em hỏi về vấn đề như sau: Tôi đi làm việc tại công ty đã được 5 năm. Hợp đồng lao động đầu tiên ký với thời hạn 2 năm, hợp đồng thứ 2 ký với thời hạn 3 năm và vừa mới hết hạn vào ngày 30/4/2020. Tôi có nghe công ty thông báo sẽ gia hạn thêm thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục hợp đồng lao động. Vậy cho tôi hỏi công ty có được phép sửa đổi thời hạn hợp đồng bằng phụ lục không? Công ty dự tính sẽ gia hạn thêm 1 năm làm việc nữa bằng phụ lục thì có đúng không? Nếu sai phạm có bị xử phạt gì hay không? Tôi nghe nói có quy định mới, xin cảm ơn.
- Công ty muốn ký nhiều phụ lục hợp đồng với người lao động
- Được dùng phụ lục bao nhiêu lần để sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động?
Luật sư tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, có được sửa đổi thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục?
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ Luật lao động 2012 quy định như sau:
“Điều 35. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.”
Như vậy, theo quy định trên dẫn chiếu đến trường hợp của bạn; khi công ty bạn muốn sửa đổi nội dung hợp đồng liên quan đến thời hạn hợp đồng thì có thể thỏa thuận với bạn và được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Thứ hai, ký phụ lục HĐLĐ để gia hạn thêm 1 năm
Căn cứ theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 22 Bộ Luật lao động 2012 như sau:
“Điều 22. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.”
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP về sửa đổi thời hạn hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động như sau:
“Điều 5. Sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động
Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy, theo quy định trên pháp luật lao động cho phép sửa đổi một lần vấn đề thời hạn hợp đồng bằng phụ lục lao động nhưng không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết.
Dẫn chiếu đến trường hợp của bạn; Bạn đi làm việc tại công ty đã được 5 năm. Hợp đồng lao động đầu tiên ký với thời hạn 2 năm, hợp đồng thứ 2 ký với thời hạn 3 năm và vừa mới hết hạn vào ngày 30/4/2020. Vì vậy, trường hợp công ty dự tính sẽ gia hạn thêm 1 năm làm việc nữa bằng phụ lục là không đúng quy định vì đã làm thay đổi loại HĐLĐ xác định thời hạn.
Thứ ba, sửa đổi thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục trái quy định bị phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 11. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.”
Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp công ty bạn nếu sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết thì sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, mức phạt cụ thể sẽ căn cứ vào số lượng NLĐ vi phạm.
Trong quá trình giải quyết nếu thắc mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
->Được dùng phụ lục bao nhiêu lần để sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động?
- Có phải doanh nghiệp nào cũng cần phải đăng ký thang bảng lương?
- Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng trong 04 tháng
- Người lao động nước ngoài có được hưởng trợ cấp thôi việc không?
- 2 trường hợp NSDLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không báo trước
- Có cần bồi thường khi chấm dứt hợp đồng thử việc hay không?