Tiền thưởng tết của người lao động có phải tính đóng bảo hiểm không?
Em chào các anh chị tư vấn! Các anh chị cho em hỏi em làm việc ở công ty thì sẽ được nghỉ tết bao nhiêu lâu thế ạ? Quê em ở xa thì em có thể dùng ngày phép năm để kéo dài thời gian nghỉ tết của mình hay không? Em làm đến tết âm này tính ra là được 1 năm thì em có được thưởng tết không ạ? Nếu được thưởng thì tháng đó tiền thưởng tết của em có phải trích ra để đóng bảo hiểm không ạ? Em mong sớm nhận được phản hồi của anh chị! Em cám ơn anh chị nhiều ạ!
Luật sư tư vấn Luật Lao động trực tuyến 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thời gian nghỉ tết
Căn cứ Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động năm 2012 quy định:
“Điều 115. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;…”
Vấn đề này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8 Nghị định 45/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 8. Nghỉ Tết Âm lịch
1. Thời gian nghỉ Tết Âm lịch theo Khoản 1 Điều 115 của Bộ luật lao động do người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch.
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày”.
Như vậy, thời gian nghỉ tết được quy định như sau:
– Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
– Tết Âm lịch: 05 ngày (người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch).
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết: Nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ hằng tuần của NLĐ có được nghỉ bù?
Thứ hai, về việc xin nghỉ phép năm sau đợt nghỉ tết
Căn cứ Điều 111 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 111. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;…
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
3. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần”.
Như vậy, bạn có quyền đề xuất với công ty để được nghỉ phép năm sau đợt nghỉ tết. Ngoài ra, khi bạn nghỉ hằng năm mà đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết: Thay đổi ngày nghỉ lễ, Tết có cần sự đồng ý của người lao động?
Thứ ba, về vấn đề thưởng tết
Điều 103 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 103. Tiền thưởng
1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.
Theo đó, việc bạn có được thưởng tết hay không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty và mức độ hoàn thành công việc của bạn cũng như quy chế thưởng của công ty. Quy chế thưởng do công ty quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Thứ tư, tiền thưởng tết của người lao động có phải tính đóng bảo hiểm không?
Căn cứ Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
“Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
2. Tiền lương do đơn vị quyết định
2.3. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP”.
Như vậy, theo quy định hiện hành thì tiền thưởng nói chung và tiền thưởng tết nói riêng sẽ không được tính làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
-> Nghỉ lễ tết thì người lao động có được hưởng lương không?
- Hồ sơ đề nghị sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc từ năm 2021
- Mức phạt khi chuyển NLĐ làm công việc khác mà không có văn bản đồng ý
- Có được chấm dứt hợp đồng với lao động nữ sau thời gian thai sản?
- Phó chủ tịch công đoàn có được quyền ký thỏa ước lao động tập thể không?
- Căn cứ xác định hình thức trả lương khoán cho người lao động