19006172

Trường hợp nào khi thử việc người lao động sẽ phải đóng BHXH?

Trường hợp nào khi thử việc người lao động sẽ phải đóng BHXH?

Xin chào tổng đài tư vấn, cho em hỏi về nội dung thử việc người lao động như sau: Trường hợp nào khi thử việc NLĐ sẽ phải đóng BHXH và trường hợp nào không phải đóng BHXH? Vì em có tham khảo ý kiến của mọi người nhưng lại chia thành 2 luồng ý kiến mâu thuẫn. Thời gian thử việc tối đa là bao nhiêu lâu và có được coi là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ phép năm cho NLĐ không? Xin cảm ơn.



thử việc người lao động sẽ phải đóng BHXH

Dịch vụ tư vấn Luật Lao động trực tuyến 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, trường hợp nào khi thử việc người lao động sẽ phải đóng BHXH?

Căn cứ theo quy định tại Mục 3 Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH về việc hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH như sau:

“3. Đối với người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.”

Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì công ty bạn và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc.

Còn đối với trường hợp công ty bạn và người lao động giao kết 1 hợp đồng thử việc riêng thì sẽ không thuộc đối tượng đóng BHXH theo quy định.

Thứ hai, thời gian thử việc tối đa 

Căn cứ theo Điều 27 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:

“Điều 27. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác”.

Như vậy, tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của công việc mà người lao động sẽ có thời gian thử việc tối đa theo quy định trên.

Thứ ba, thử việc có được coi là thời gian làm việc tính ngày nghỉ phép năm? 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP thì:

“Điều 6. Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm

1. Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề.

2. Thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động.

3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động.

4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng.

5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng.

7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

8. Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.

9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc.

11. Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.”

Theo đó, chỉ có thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho công ty bạn thì mới được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn trực tiếp.

->Đánh giá NLĐ thử việc không đạt yêu cầu có thể cho nghỉ việc ngay?

luatannam