19006172

Xử phạt hành vi yêu cầu NLĐ đặt cọc tiền để thực hiện hợp đồng lao động

Xử phạt hành vi yêu cầu NLĐ đặt cọc tiền để thực hiện hợp đồng lao động

Xin chào tổng đài tư vấn, cho tôi hỏi về vấn đề tôi mới được ký hợp đồng lao động với 1 công ty tuyển dụng lái xe, công ty có yêu cầu tôi phải đặt cọc 2,5 triệu để cam kết thời gian làm việc lâu dài vì tính chất công việc nghề lái xe thường xuyên thay đổi nơi làm việc. Việc công ty yêu cầu đặt cọc như vậy có đúng hay không? Hình như có quy định mới về xử phạt vi phạm đúng không? Áp dụng từ thời điểm nào? Nếu công ty vi phạm sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? Xin cảm ơn.



Hành vi yêu cầu NLĐ đặt cọc tiền

Dịch vụ tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, có được yêu cầu NLĐ đặt cọc tiền để thực hiện hợp đồng lao động?

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định như sau:

“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”.

Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng lao động sẽ không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Dẫn chiếu đến trường hợp của bạn; Bạn mới được ký hợp đồng lao động với 1 công ty tuyển dụng lái xe, công ty có yêu cầu bạn phải đặt cọc 2,5 triệu để cam kết thời gian làm việc lâu dài vì tính chất công việc nghề lái xe thường xuyên thay đổi nơi làm việc là không đúng quy định.

Thứ hai, xử phạt hành vi yêu cầu NLĐ đặt cọc tiền để thực hiện hợp đồng lao động

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;”

Như vậy, theo quy định trên thì thì trường hợp NSDLĐ buộc bạn phải đặt cọc 2,5 triệu để cam kết thời gian làm việc lâu dài thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu là cá nhân và từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu là tổ chức.

Ngoài ra, công ty còn buộc phải trả lại số tiền đã giữ của bạn cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Thứ ba, về hiệu lực thi hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP

Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 56. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

2: Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.”

Theo đó, Nghị định 28/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

->Giữ bằng gốc tốt nghiệp điều dưỡng bị xử phạt như thế nào năm 2020?

luatannam