Các ngành nghề được tiếp tục hoạt động khi thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội
Tôi là người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp bất động sản. Tôi có xem thời sự và thấy hiện nay đang phải thực hiện cách ly xã hội yêu cầu người dân ở nhà. Vậy cho tôi hỏi khi cách ly toàn xã hội thì có phải tất cả các doanh nghiệp cơ sở sản xuất sẽ phải cho người lao động nghỉ việc ở nhà đúng không? Có văn bản hướng dẫn nào về các ngành nghề được tiếp tục hoạt động trong thời gian cách ly không?
- Hiểu thế nào là cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng?
- Hướng dẫn trả lương với doanh nghiệp có NLĐ bị cách ly do dịch Covid
Dịch vụ hỗ trợ tư vấn trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cho bạn cụ thể như sau:
Ngày 31/03/2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có nội dung:
“1. Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.”
Tuy nhiên, “cách ly toàn xã hội” ở đây chưa phải quyết định phong tỏa mà là khuyến cáo, yêu cầu của Chính phủ. Theo đó, người dân được yêu cầu ở trong nhà nhưng vẫn có thể ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, người đứng đầu các đơn vị căn cứ diễn biến dịch bệnh, tự quyết định việc tiếp tục cho người lao động đi làm hay không. Nhưng trên tinh thần chung, Chính phủ vẫn khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để người lao động làm việc tại nhà.
Điều này đồng nghĩa; kể từ 0 giờ ngày 01/04/2020; các nhà máy, phân xưởng sản xuất vẫn có thể hoạt động bình thường; xe đưa đón công nhân vẫn được hoạt động. Tuy nhiên, người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Đồng thời, ngày 03/04/2020 Văn Phòng Chính Phủ có Công văn 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trong đó có nêu rõ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đây được tiếp tục hoạt động bình thường:
– Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng;
– Cơ sở sản kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng dầu; điện; nước; nhiên liệu,…);
– Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…
Tuy nhiên, người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:
– Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định và khuyến cáo của cơ quan y tế;
– Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;
– Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung đông người lao động;
– Tổ chức quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.
Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ sở y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng chống dịch tại các cơ sở nêu trên.
Như vậy, theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg về việc cách ly xã hội và hướng dẫn của Văn Phòng Chính phủ tại Công văn 2601/VPCP-KGVX thì không có yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải cho người lao động nghỉ việc ở nhà cách ly. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề nêu trên vẫn hoạt động nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch.
Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-->Ai sẽ được Nhà nước hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
- Tiền lương làm thêm vào ban đêm của ngày bình thường
- Làm việc cho công ty 09 tháng có được nghỉ hằng năm không?
- Thời gian làm việc thực tế để tính trợ cấp thôi việc như thế nào?
- Địa điểm làm việc không đúng thỏa thuận có được chấm dứt HĐLĐ?
- Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới của năm 2022