19006172

Hướng giải quyết khi công ty nợ lương

Hướng giải quyết khi công ty nợ lương

Mọi người cho em hỏi công ty nợ lương từ tháng 4 và có làm giấy hẹn sẽ thanh toán khoản nợ trước 30/9 nhưng đến hạn thì im luôn không thanh toán cũng không giải thích với người lao động thì nên xử lý như thế nào ạ?



Hướng giải quyết khi công ty nợ lương

Tư vấn hợp đồng lao động:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Tổng đài tư vấn. Về vấn đề Hướng giải quyết khi công ty nợ lương; chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, quy định về việc trả lương cho người lao động.

Căn cứ pháp luật: Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

“Điều 94. Nguyên tắc trả lương

1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.”

Bên cạnh đó, Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

“Điều 97. Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.”

Theo những quy định nêu trên, người sử dụng lao động phải trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Dù với bất kì lí do bất khả kháng nào thì người sử dụng lao động cũng không được trả lương cho người lao động muộn hơn 30 ngày.

Thứ hai, các cách để người lao động đòi tiền lương khi bị công ty nợ.

Bước 1. Đối thoại với người sử dụng lao động để tìm ra hướng giải quyết hài hòa giữa các bên .

Đây là cách giải quyết đơn giảm nhất và không tốn kém thời gian cũng như chi phí của người lao động bị nợ tiền lương. Khi thực hiện biện pháp này, mối quan hệ lao động sẽ vẫn được duy trì một cách tương đối tốt đẹp. Sau khi đối thoại và giải quyết được mâu thuẫn giữa công ty và nhân viên thì các bên sẽ có thêm những hiểu biết hơn về nhau, biết lắng nghe và thông cảm cho nhau.

Bước 2. Yêu cầu phòng lao động-thương binh và xã hội hoặc thanh tra sở lao động-thương binh và xã hội giải quyết.Sau khi đối thoại với người sử dụng lao động không thành công hoặc đối thoại thành công nhưng sau đó người sử dụng lao động lại không thực hiện đúng với những cam kết, người lao động bị nợ tiền lương có thể yêu cầu cơ quan quản lí nhà nước về lao động như phòng lao động-thương binh và xã hội, thanh tra sở lao động thương binh và xã hội làm cơ quan trung gian để giải quyết mâu thuẫn về việc trả lương cho người lao động. Đồng thời cơ quan quản lý về lao động cũng có thể tiến hành một số biện pháp hành chính như phạt tiền người sử dụng lao động trả chậm lương cho người lao động theo quy định tại điều 17 nghị định số 12/2022/NĐ-CP.

Bước 3, tập thể người lao động tiến hành đình công.

Sau khi cơ quan quản lý nhà nước về lao động đã tiến hành giải quyết về vấn đề công ty nợ lương nhưng người lao động vẫn không được công ty trả lương đầy đủ, người lao động có thể tiến hành tổ chức đình công theo quy định của pháp luật để gây sức ép, buộc công ty phải nhanh chóng thu xếp tài chính nhằm đảm bảo việc trả lương cho người lao động. Hành động đình công của người lao động sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới hoặc động sản xuất, kinh doanh, thương hiệu.. của công ty.

Bước 4. Khởi kiện người sử dụng lao động ra tòa án nhân dân.

Đối với những công ty đã tạm ngừng hoạt động hoặc ban giám đốc đã bỏ chốn thì hành động tổ chức đình công của người lao động sẽ không có mấy tác dụng. Chính vì thế, người lao động có thể khởi kiện công ty ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để đòi lại tiền lương hoặc một phần tiền lương mà công ty vẫn đang nợ.

Như vậy, dù bất kì lí do nào đi nữa, công ty nơi bạn đang làm việc cũng không có quyền trả chậm lương cho bạn quá 30 ngày. Tính tới thời điểm hiện tại, công ty đã nợ tiền lương của bạn và những người lao động khác hơn 6 tháng nên bạn và những người lao động rơi vào cùng hoàn cảnh bị nợ lương trong công ty có thể thực hiện theo những bước hướng dẫn của chúng tôi nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:

Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến – 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

luatannam