Có thể chuyển người lao động làm công việc khác hay không?
Bên mình làm về nhà hàng ăn uống. Dạo này dịch bệnh vắng khách nên bên lễ tân ít việc mà bên kho và bên giao hàng lại đang không có người. Vậy bên mình có thể chuyển người lao động sang làm công việc khác hay không? Nếu được thì mình có cần lưu ý gì không ạ? Mình cám ơn nhiều!
- Chuyển người lao động làm công việc mới so với hợp đồng lao động
- Thỏa thuận điều chuyển công việc khác khi lao động nữ mang thai
Dịch vụ hỗ trợ tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, có thể điều chuyển người lao động hay không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động”.
Vấn đề này được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:
“Điều 8. Tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác
Người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động tại Khoản 1 Điều 31 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
a) Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
b) Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) Sự cố điện, nước;
d) Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh”.
Đối chiếu quy định trên thì nếu vì lý do dịch bệnh, bên bạn có thể tạm thời chuyển những người làm lễ tân sang làm công việc ở kho và giao hàng.
Thứ hai, về vấn đề cần lưu ý khi điều chuyển người lao động
Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì khi tạm thời điều chuyển người lao động; bạn cần lưu ý các vấn đề sau đây:
– Phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc và thông báo rõ thời hạn làm tạm thời;
– Phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
– Người lao động phải được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
– Thời gian tạm thời điều chuyển này không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm; trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.
– Nếu đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc mới so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm; mà người lao động không đồng ý tiếp tục tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động mà phải ngừng việc thì bên bạn phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động năm 2012.
– Nếu người lao động được điều chuyển là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở (theo Khoản 7 Điều 192 Bộ luật lao động năm 2012).
Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7 về lao động 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
--> Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm khi người lao động chuyển việc