Xử phạt khi không trả tiền đóng bảo hiểm cho người giúp việc năm 2023
Xử phạt khi không trả tiền đóng bảo hiểm cho người giúp việc năm 2023. Xin chào tổng đài tư vấn, cho tôi hỏi về vấn đề như sau: Tôi nghe nói khi thuê lao động giúp việc gia đình thì sẽ phải trả thêm tiền đóng bảo hiểm vào lương cho họ có đúng không ạ? Tôi cũng nghe mọi người phổ biến có quy định mới xử phạt về vấn đề này phải không? Được quy định tại văn bản nào và áp dụng từ thời điểm nào vậy? Mong tổng đài tư vấn giúp tôi với, tôi xin cảm ơn rất nhiều.
- Có phải đóng bảo hiểm cho người lao động giúp việc gia đình?
- Quy định về trả lương cho người lao động là giúp việc gia đình
Dịch vụ tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc trả tiền đóng bảo hiểm cho người giúp việc gia đình
Căn cứ theo quy định tại Điều 163 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi thuê lao động giúp việc gia đình như sau:
1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
2. Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
3. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.
4. Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.
5. Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.
6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 89. Một số quy định riêng đối với lao động là người giúp việc gia đình
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trường hợp người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động làm giúp việc gia đình thì trách nhiệm trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động được thực hiện theo từng hợp đồng lao động.”
Như vậy, theo quy định trên dẫn chiếu đến trường hợp của bạn thì khi bạn sử dụng người giúp việc gia đình thì bạn sẽ phải trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người giúp việc một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người giúp việc gia đình tự lo bảo hiểm.
Hiên nay, mức đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động cho người lao động là 24% tính trên mức lương trong Hợp đồng lao động.
Thứ hai, xử phạt khi không trả tiền đóng bảo hiểm cho người giúp việc
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động như sau:
“Điều 30. Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình;
b) Không trả cho lao động là người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
d) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lao động là người giúp việc gia đình khi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.“
Như vậy, theo quy định mới tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì đối với hành vi không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người lao động tự lo bảo hiểm thì sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và buộc phải trả đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình.
Thứ ba, về hiệu lực thi hành của Nghị định 12/2022/NĐ-CP
Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì:
“Điều 62. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17 tháng 01 năm 2022.
2. Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.“
Như vậy, Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 01 năm 2022. Đồng thời, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực từ ngày 01 tháng 03 năm 2020.
Trên đây là bài viết về vấn đề Xử phạt khi không trả tiền đóng bảo hiểm cho người giúp việc năm 2023.
Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn Luật lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
->Có phải báo trước khi chấm dứt HĐLĐ với người giúp việc gia đình
- Nghỉ ốm đau quá nửa thời hạn theo hợp đồng lao động mùa vụ
- Trách nhiệm khi người lao động bị tai nạn trong thời gian thử việc
- Năm 2023 mức lương tối thiểu vùng của TP Hồ Chí Minh là bao nhiêu?
- Có được ký hợp đồng thử việc 2 lần đối với người lao động không?
- Tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ việc riêng