Tư vấn về trạng thái tinh thần bị kích động mạnh trong Bộ luật hình sự
Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.
- Có phạm tội cố ý gây thương tích?
- Hành vi đe dọa và cố ý lây truyền HIV cho người khác
- Hỏi về tội làm nhục người khác
Tư vấn pháp luật hình sự:
Vấn đề trạng thái tinh thần bị kích động mạnh trong Bộ luật hình sự đã được hướng dẫn lần đầu tiên tại Điểm b Mục 1 Chương 2 Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, theo đó: “Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung, sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.”. Như vậy, vấn đề trạng thái tinh thần bị kích động mạnh liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý của người phạm tội.
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; Điều 125 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và tham khảo một số bài viết của tác giả Th.s Đinh Văn Quế. Để xác định trường hợp người phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc của người khác gây ra thì có thể căn cứ vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, phải có hành vi trái pháp luật
Nạn nhân là người có lỗi trước khiến cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần, nạn nhân có thể trực tiếp hành động như hành vi vu không, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hành vi ngoại tình, hành vi đánh đập…hoặc nạn nhân có thể không hành động như không chấm dứt hành vi trái pháp luật mà người phạm tội đã yêu cầu, ví dụ anh A đã yêu cầu nhiều lần mà ông B vẫn không nhốt chó lại để chó ra phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh công cộng hoặc trong trường hợp hai vợ chồng đã ly hôn mà người chồng đã yêu cầu vợ nhiều lần phải có biện pháp chăm sóc, bảo vệ con cái mà người vợ không thực hiện khiến cho người con chung gặp tai nạn nguy hiểm…
Hành vi trái pháp luật ở trường hợp quy định tại Điều 125 và Điều 135 Bộ luật hình sự 2015 nhất thiết phải là hành vi của người bị hại, còn đối với trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 51 có thể không nhất thiết phải là của người bị hại mà còn có thể là của người khác.
Việc xác định một hành vi trái pháp luật của người bị hại đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng. Ví dụ: A và B nhà ở cạnh nhau, chung một bức tường. B đục tường từ phía nhà mình sang nhà A trong lúc vợ của A đang bị ốm nặng cần sự yên tĩnh. A đã nhiều lần yêu cầu B chấm dứt hành động đó, nhưng B không nghe, A bực tức giằng búa của B đánh B một cái làm B ngã gục. Trên đường đưa đi cấp cứu thì B chết. Trong trường hợp này, hành vi giết người của A cũng được coi là bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của B và thuộc trường hợp quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự 2015.
Thứ hai, hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội.
Nếu trường hợp phạm tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự 2015 hoặc “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự 2015 chỉ quy định hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội thì trường hợp “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra” hành vi trái pháp luật của người khác còn đối với cả những người có quan hệ thân thiết với người phạm tội. Đây cũng là một đặc điểm để phân biệt giữa tình tiết là yếu tố định tội quy định tại Điều 125 và Điều 135 Bộ luật hình sự 2015 với tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.
Một người bị kích động về tinh thần ngoài trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật đối với chính bản thân họ, thì còn có cả trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật đối với những người thân thích của họ.
Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội ngoại đối với các cháu v.v…
Ngoài những người thân thích với người phạm tội, thực tiễn xét xử Toà án cũng đã công nhận một số trường hợp tuy không phải là quan hệ huyết thống hay hôn nhân mà chỉ là quan hệ thân thuộc như anh em ruột. Ví dụ: Đinh Văn Q và Nguyễn Văn Kh cùng ở một đơn vị bộ đội; cả hai cùng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày giải phóng, cả hai cùng được phục viên, nhưng gia đình Q đã bị bom Mỹ sát hại hết nên Kh đã mời Q đến ở chung với gia đình mình. Gia đình Kh coi Q như con trong nhà ngược lại Q cũng coi gia đình Kh như gia đình mình. Một hôm, Q đang chặt cây thì có người gọi: “về nhà ngay! mẹ của Kh bị đánh què chân rồi”. Q vội cầm dao chạy về thì được biết Bùi Quốc T là người đánh mẹ Kh, Q liền cầm dao đi tìm T; khi gặp T, Q hỏi vì sao lại đánh mẹ Kh thì T trả lời: “tao đánh mẹ mày đâu mà mày hỏi”, Q bực tức lấy dao chém T gây thương tích có tỷ lệ thương tật 34%.
Khi xác định tình tiết giảm nhẹ này cần phần biệt với trường hợp “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự 2015 và trường hợp “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự 2015:
– Cả hai trường hợp, người phạm tội đều bị kích động về tinh thần và đều do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra. Nhưng sự khác nhau là mức độ bị kích động và mức độ trái pháp luật của người bị hại. Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 125 hoặc Điều 135 Bộ luật hình sự 2015, người phạm tội phải bị kích động mạnh thì ở trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 tuy tinh thần có bị kích động nhưng chưa mạnh, chưa tới mức không nhận thức được hành vi của mình.
– Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 125 hoặc Điều 135 Bộ luật hình sự 2015, hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, thì ở Điểm e Khoản 1 Điều 51 hành vi trái pháp luật của người bị hại chưa phải là nghiêm trọng.
– Hành vi trái pháp luật ở trường hợp quy định tại Điều 125 và Điều 135 Bộ luật hình sự 2015 nhất thiết phải là hành vi của người bị hại, còn đối với trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 51 có thể không nhất thiết phải là của người bị hại mà còn có thể là của người khác.
– Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 125 và Điều 135 Bộ luật hình sự 2015, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại phải là đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, còn ở Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 thì không nhất thiết phải như vậy.
Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào sự kích động và vào hành vi trái pháp luật của người bị hại. Người phạm tội do hành vi trái pháp luật của chính người bị hại đối với mình sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm nhiều hơn là phạm tội do hành vi trái pháp luật của người khác đối với mình hoặc đối với người thân thích của mình. Hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc của người thân thích đối với họ càng nguy hiểm thì mức độ giảm nhẹ trách nhiệm càng nhiều.
Thứ ba, hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội tinh thần bị kích động mạnh
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tinh thần bị kích động là mối quan hệ tất yếu nội tại có cái này thì ắt có cái kia. Không có hành vi trái pháp luật của người khác thì không có tinh thần bị kích động của người phạm tội, và vì thế nếu người phạm tội không bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người khác thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ theo Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Nếu hành vi trái pháp luật lại gây ra cho người khác không có liên quan gì đến người phạm tội, thì người phạm tội không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Ví dụ: Nguyễn Hùng C là bạn học cùng lớp với Hoàng Thị Th, C đến nhà Th chơi thì thấy bố của Th là ông Hoàng Quốc V đang cãi nhau với Trần Mạnh Q. Thấy Q dùng lời nói thô tục chửi bới ông V thậm tệ nên C đã dùng tay đấm Q nhiều cái vào mặt làm Q bị thương. Trường hợp này Nguyễn Hùng C tuy có bị kích động về tình thần nhưng hành vi trái pháp luật của người khác không có liên quan gì đến trạng thái tinh thần của C, mà chỉ vì lời nói của con ông V đối với Q. Do đó hành vi phạm tội của C không phải là tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra”.
Trường hợp người phạm tội tự mình gây nên tình trạng tinh thần kích động rồi thực hiện hành vi phạm tội cũng không thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra”. Ví dụ: Phạm Việt C nghi ngờ vợ quan hệ bất chính với Lê Văn T nhưng không có bằng chứng, nhiều lần C tra hỏi vợ nhưng vợ C không nhận; Phạm Việt C bực tức uống rượu say rồi mang dao đến nhà T gây sự rồi gây thương tích cho T với tỷ lệ thương tật 30%.
Nếu người bị hại là người điên hay trẻ em dưới 14 tuổi có những hành vi làm cho người phạm tội bị kích động, thì cũng không thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra”. Bởi lẽ, hành vi của người điên và của trẻ em dưới 14 tuổi không bị coi là hành vi trái pháp luật, vì họ không có lỗi do họ không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do họ thực hiện.
Thứ tư, trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước; trạng thái tinh thần bị kích động ở những mức độ khác nhau. Nếu bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự 2015 hoặc “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự 2015. Nếu bị kích động chưa mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội hoặc bị kích động mạnh nhưng do người khác (không phải là của người bị hại) thì được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.
Tư vấn pháp luật hình sư trực tuyến 24/7: 1900 6172
Như vậy, Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh, nhưng nói chung chưa đến mức là phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa “kích động” với “kích động mạnh”, cần xem xét một cách khách quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hóa, chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên: mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.
Bạn vui lòng tham khảo thêm tại bài viết sau: Có phạm tội cố ý gây thương tích?
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc về hành vi cố ý gây thương tích hay phòng vệ chính đáng, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Cố ý gây thương tích cho người mang thai bị truy cứu trách nhiệm như thế nào?
- Đi mua dâm có phạm tội mua bán dâm không?
- Chủ nợ đến đòi nợ đe dọa và lấy hết tài sản phạm có tội cưỡng đoạt tài sản không?
- Tội ra quyết định trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015
- Tư vấn về tổng hợp hình phạt trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội