Công ty có được chuyển lao động nữ làm việc khác sau khi nghỉ thai sản?
Một lao động công ty tôi trước làm kế toán tổng hợp nhưng chị đó nghỉ thai sản nên đã có người khác thay thế. Khi chị đó trở lại thì chỉ còn vị trí thủ kho nên công ty muốn để chị ấy thế luôn vào vị trí đó. Vậy công ty có được chuyển lao động nữ sang làm việc khác sau khi nghỉ thai sản như vậy không ạ? Và sau đó chị ấy được bớt 01 giờ làm việc thì công ty có phải trả lương cho họ không? Nếu thực hiện không đúng thì công ty bị phạt như thế nào? Tôi cám ơn!
- Được đi làm trễ hay về sớm 1 tiếng trong thời gian lao động nữ mang thai?
- Quy định về giảm bớt 01 giờ làm việc của lao động nữ có được cộng dồn?
Tổng đài tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, công ty có được chuyển lao động nữ làm việc khác sau khi nghỉ thai sản không?
Căn cứ Điều 158 Bộ luật lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 158. Bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản
Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản”.
Theo đó, công ty bạn có trách nhiệm bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định. Nếu việc làm cũ không còn thì công ty phải bố trí việc làm khác cho người này với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Thứ hai, về vấn đề giảm bớt 01 giờ làm việc cho lao động nữ sau sinh
Căn cứ Khoản 3 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
3. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.
Theo đó, người lao động công ty bạn trở lại làm việc sau khi sinh thì trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được nghỉ 60 phút một ngày. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Thứ ba, về mức phạt nếu công ty không tuân thủ các quy định nêu trên
Căn cứ Khoản 1 Điều 3; Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều 18 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 3. Quy định về phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 4, các khoản 2, 4 và 6 Điều 9, Khoản 7 và Khoản 8 Điều 17, Khoản 4 Điều 28 và các điều từ Điều 29 đến Điều 34 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
“Điều 18. Vi phạm quy định về lao động nữ
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày;
d) Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 157 của Bộ luật lao động;…”
Theo đó, công ty của bạn sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi thực hiện mỗi hành vi sau đây:
– Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định.
– Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày.
Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7 về lao động 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
--> Chế độ thai sản dành cho lao động nữ sinh con