Nội dung câu hỏi:
Em chào anh/chị. Em có một vấn đề cần được giải đáp về Hợp Đồng Lao Động, mong nhận được phản hồi và hướng dẫn từ anh/chị ạ. Nội dung vấn đề:
– Người lao động ký Hợp Đồng Lao Động từ tháng 12/2022 với công ty, thời hạn hợp đồng xác định là 1 năm.
– Sau khi hết hạn HĐ, NLĐ vẫn tiếp tục làm việc mà không có HĐ thứ 2. Đến tháng 04/2024, công ty quyết định tăng lương cho NLĐ và có ký 1 Phụ lục HĐLĐ (1).
– Đến đầu tháng 07/2024, công ty quyết định tăng lương cho NLĐ và ký tiếp tục 1 Phụ lục HĐLĐ (2).
– Nhưng đến ngày 17/07/2024, công ty thông báo giảm tiền lương của NLĐ mà không có sự thoả thuận giữa 2 bên và không có sự đồng ý của NLĐ.
– Công ty thông báo ngày 17/07/2024 và thay đổi mức lương vào ngày 18/07/2024.
Em muốn hỏi rằng trong trường hợp này, người lao động không đồng ý bị giảm lương thì NLĐ phải thực hiện những gì để gửi hồ sơ kiện cho cơ quan chức năng, bảo vệ quyền lợi của NLĐ ạ.
- Có cần báo trước khi nghỉ việc do hợp đồng lao động hết hạn không?
- Hết hạn hợp đồng 15 ngày nhưng không giao kết hợp đồng lao động mới
- Thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng để giảm lương của NLĐ có được không?
Luật sư tư vấn Luật Lao động trực tuyến 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Hợp đồng lao động hết hạn nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc
Căn cứ tại Điều 20 Bộ luật lao động 2019 có quy định về loại hợp đồng lao động khi hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc như sau:
“Điều 20. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.”
Theo quy định vừa nêu, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong vòng 30 ngày các bên có quyền kí hợp đồng lao động mới. nếu hết thời hạn 30 ngày mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì loại hợp đồng lao động xác định thời hạn đã kí trước đó sẽ mặc định chuyển thành loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Người sử dụng lao động có được quyền thay đổi tiền lương, tiền công không?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động 2019 có quy định về hợp đồng lao động như sau:
“Điều 13. Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Theo quy định này, tiền lương, tiền công là một trong những nội dung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. chính vì thế, người sử dụng lao động không được quyền tự ý điều chỉnh tiền lương, tiền công của người lao động khi chưa được họ đồng ý.
Người lao động không đồng ý bị giảm lương thì phải làm sao?
Trên thực tế, có nhiều người sử dụng lao động tự ý ra quyết định giảm tiền lương của người lao động vì nhiều mục đích khác nhau như: cắt giảm chi phí, thù ghét cá nhân hoặc giảm lương để ép người lao động bỏ việc… Khi người lao động bị người sử dụng lao động tự ý giảm tiền lương mà người lao động không đồng ý, người lao động có thể thực hiện các bước dưới đây để bảo vệ quyền lợi của mình:
Bước 1: Làm đơn khiếu nại gửi tới người sử dụng lao động về việc không đồng ý với quyết định giảm tiền lương của mình.
Bước 2: Sau khi người lao động khiếu nại tới người sử dụng lao động mà người lao động không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng hoặc hết thời hạn 30 ngày thì người lao động có thể tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2 tới phòng lao động – thương binh và xã hội hoặc thanh tra sở lao động – thương binh và xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng.
Tự ý giảm lương của người lao động bị xử phạt như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động tự ý giảm tiền lương của người lao động khi chưa được sự đồng ý như sau:
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, khi người sử dụng lao động là cá nhân tự ý giảm tiền lương của người lao động thì bị xử phạt ít nhất ở mức 5 triệu tới 10 triệu. khi người sử dụng lao động là tổ chức có hành vi tự ý giảm lương của người lao động thì mức phạt tiền thấp nhất là từ 10 triệu tới 20 triệu.
Kết luận:
Trường hợp bạn kí hợp đồng lao động với công ty có thời hạn 1 năm từ tháng 12 năm 2022. Sau khi hết hạn hợp đồng 1 năm, bạn và công ty vẫn tiếp tục thực hiện công việc mà không giao kết hợp đồng lao động mới nên hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm đó đã mặc định được chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của bộ luật lao động 2019.
Về vấn đề ngày 17 tháng 07 năm 2024 công ty có quyết định giảm tiền lương của bạn mà không được sự đồng ý của bạn là công ty vi phạm quy định của pháp luật lao động. trường hợp này, bạn nên khiếu nại tới giám đốc công ty để được xem xét giải quyết. Trường hợp bạn không được giám đốc công ty giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn có thể tiếp tục khiếu nại lần hai tới cơ quan quản lý nhà nước về lao động nơi công ty đặt trụ sở như: phòng lao động – thương binh và xã hội, thanh tra sở lao động – thương binh và xã hội để đảm bảo quyền lợi của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:
- Người sử dụng lao động có được cắt giảm lương của người lao động không?
- Giám đốc công ty không có tên trong bảng lương có phải đóng bảo hiểm y tế?
Nếu trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng quy định có phải hoàn trả phí đào tạo?
- Danh mục công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi?
- Có được sa thải lao động nam nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi?
- Người lao động chưa ký hợp đồng nhưng đã nghỉ việc thì làm sao?
- Lập thang lương, bảng lương khi công ty giao kết hợp đồng cộng tác viên