Nội dung câu hỏi:
Khi nghỉ việc tại các đơn vị sử dụng lao động, nhiều người lao động không nắm rõ quy định của pháp luật dẫn đến việc đánh mất nhiều quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội. Vậy nên, trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn chi tiết những công việc mà người lao động cần phải làm ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại đơn vị sử dụng lao động nhằm bảo vệ tối đa nhất các quyền lợi:
- Nghỉ việc bao lâu thì được hưởng BHXH 1 lần
- Nghỉ việc có phải hoàn trả chứng chỉ đào tạo không?
- Nghỉ việc bao lâu thì hưởng được bảo hiểm thất nghiệp
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn; chúng tôi xin tư vấn như sau:
Yêu cầu công ty chốt sổ và trả sổ bảo hiểm xã hội
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm và được tự quản lý sổ. Trên thực tế có những công ty giao sổ bảo hiểm cho người lao động tự quản lý nhưng không ít công ty giữ sổ bảo hiểm của người lao động vì lo sợ nếu họ tự quản lý sẽ bị thất lạc gây khó khăn trong quá trình giải quyết chế độ hoặc chốt sổ bảo hiểm khi nghỉ việc sau này. Tuy nhiên, việc ai giữ sổ không quan trọng vấn đề là khi người lao động nghỉ việc thì người sử dụng lao động vẫn phải yêu cầu người lao động cung cấp sổ bảo hiểm xã hội để thực hiện thủ tục chốt sổ nên việc công ty giữ sổ bảo hiểm cho người lao động không ảnh hưởng gì đến quyền lợi.
Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động nghỉ việc là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội đồng thời trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sau khi đã chốt xong sổ. Ngoài ra, khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động 2019 còn quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải hoàn trả bản chính các giấy tờ mà người sử dụng lao động đang giữ của người lao động. Đồng thời phải cung cấp bản sao các tài liệu có liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu được người lao động yêu cầu. Mọi chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng trả.
Như vậy, khi nghỉ việc, người lao động có quyền yêu cầu công ty nhanh chóng hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục để chốt sổ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cần yêu cầu công ty trả các giấy tờ sau để đảm bảo quyền lợi cho người lao động:
- Quyết định nghỉ việc; Quyết định thôi việc;
- Hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn;
- Thoả thuận hoặc thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động;
- Quyết định sa thải;
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
Vậy trong thời gian bao lâu kể từ ngày người lao động nghỉ việc thì người sử dụng lao động phải trả sổ bảo hiểm cho người lao động? Tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động quy định: trong 14 ngày làm việc (chỉ tính ngày làm việc không tính ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ tết) kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trường hợp chậm nhất không được quá 30 ngày.
Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý những vấn đề sau:
– Nếu người lao động tự ý nghỉ việc hoặc nghỉ ngang thì thông thường người sử dụng lao động sẽ giữ sổ bảo hiểm xã hội và yêu cầu người lao động bồi thường khoản tiền phạt khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Mặc dù hành vi giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động là trái quy định của pháp luật nhưng trên thực tế đây là cách mà người sử dụng lao động ràng buộc với người lao động.
– Nếu người sử dụng lao động cố tình gây khó dễ và hoàn trả các hồ sơ cho người lao động thì có thể làm đơn khiếu nại, đề nghị gửi đến Phòng lao động thương binh và xã hội huyện nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở để được giải quyết.
– Sổ bảo hiểm xã hội là loại giấy tờ sẽ đi theo người lao động trong suốt quá trình làm việc. Chính vì vậy, khi nghỉ việc bằng mọi cách người lao động phải liên hệ với công ty để lấy lại sổ bảo hiểm. Nhiều người lao động không nhận rõ tầm quan trọng của sổ bảo hiểm nên vứt bỏ hoặc không đến công ty cũ để lấy sổ. Dẫn đến việc đi làm ở đơn vị khác được cấp mới sổ bảo hiểm, khi cần lấy lại sổ cũ để gộp thì không biết đến đâu, liên hệ ai để lấy.
Đi làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay
Khi nghỉ việc, người lao động cần một thời gian để tìm kiếm công việc mới. Trong thời gian tìm kiếm họ không có khoản thu nhập nhưng những vấn đề chi tiêu trong cuộc sống vẫn đặt ra nên đây là gánh nặng cho không ít người trong xã hội. Vậy nên, bảo hiểm thất nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền trợ cấp thất nghiệp cho những người lao động đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 49 Luật việc làm năm 2013, cụ thể những điều kiện như sau:
Điều kiện 1: Chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động đúng quy định tại Bộ luật lao động năm 2019, trừ 02 trường hợp sau đây:
- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái quy định của pháp luật (nghỉ ngang);
- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
Điều kiện 2: Người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc theo hợp đồng lao động. Hoặc đóng được 12 tháng trong 36 tháng trước khi nghỉ việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng vụ mùa hoặc một công việc nhất định
Điều kiện 3: Người lao động phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm có thẩm quyền trong thời gian 03 tháng kể từ ngày nghỉ việc ghi trên quyết định nghỉ việc hoặc hợp đồng lao động hết hạn.
Điều kiện 4: Người lao động phải chưa có việc làm trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ 06 trường hợp tại Khoản 4 Điều 49 Luật việc làm năm 2013.
Như vậy, nếu đã đáp ứng đầy đủ 02 điều kiện đầu tiên (Điều kiện 1 và Điều kiện 2) là người lao động đã có thể chuẩn bị hồ sơ để đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Sổ Bảo hiểm xã hội (bản gốc)
- Chứng minh thư, căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác có ảnh
- Các giấy tờ chứng minh việc chấm dứt hợp đồng như: Quyết định nghỉ việc; Quyết định sa thải; Hợp đồng lao động hết hạn…
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Nơi nộp hồ sơ: Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh nơi người lao động muốn nộp hồ sơ.
Thời hạn giải quyết: sau 15 đến 20 ngày thì Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ ra quyết định về việc có cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp không.
Chờ đủ 1 năm nghỉ việc và đi lãnh tiền Bảo hiểm xã hội một lần
Lãnh bảo hiểm xã hội một lần là một trong những quyền lợi mà rất nhiều người quan tâm. Vậy nên, nếu như người lao động khi nghỉ việc mà không có nhu cầu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội hoặc muốn tất toán sổ để lấy một khoản tiền phục vụ cho cuộc sống gia đình thì có thể cân nhắc việc lãnh Bảo hiểm một lần. Vậy khi lãnh bảo hiểm xã hội một lần cần lưu ý những vấn đề gì?
Khi nào được lãnh bảo hiểm xã hội một lần?
Căn cứ Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 1 Nghị quyết 93/2015/NQ-QH và Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT thì người lao động được lãnh tiền bảo hiểm xã hội một lần khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động đã đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014.
- Người lao động ra nước ngoài định cư
- Người lao động sau 01 năm nghỉ việc mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
- Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
- Người lao động mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, cụ thể:
– Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
– Các bệnh, tật ngoài các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Trên thực tế, trường hợp nhận bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội xảy ra nhiều. Do đó, khi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp này cần chuẩn bị hồ sơ thế nào? Cụ thể:
- Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính)
- Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (bản chính)
- Chứng minh thư hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu
- Mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần do bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Nơi nộp hồ sơ: Người lao động nộp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện nơi người lao động thường trú theo sổ hộ khẩu hoặc tạm trú theo sổ tạm trú KT3
Thời hạn giải quyết: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; nếu từ chối giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:
- Chấp nhận đề xuất nghỉ việc từ công ty có được nhận trợ cấp thôi việc không?
- Nghỉ việc tại công ty có được hưởng lương tháng thứ 13?
- Công ty tự ý cho nghỉ việc có phải bồi thường không?
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Thời hạn xóa kỷ luật đối với NLĐ bị kéo dài thời hạn nâng lương
- Cách tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm của NLĐ như thế nào?
- NLĐ sắp nghỉ hưu có được xin công ty chấm dứt hợp đồng lao động?
- Báo cáo sử dụng lao động định kỳ đối với doanh nghiệp
- Khi nghỉ ngang ở công ty có phải bồi thường không?