19006172

Xin nghỉ việc và Thông báo nghỉ việc khác gì nhau?

Nội dung câu hỏi:

Chị cho em hỏi: Em làm được hơn 3 năm nhưng em viết đơn nộp cho công ty được 30 ngày. Công ty không giải quyết cho em nghỉ mà trả lại đơn thì em nghỉ ngang, vậy là em làm trái pháp luật vậy thì công ty là đúng ạ. Vậy thì công nhân người lao động như tụi em mất quyền lợi công dân. Cảm ơn chị.



VIDEO: XIN NGHỈ VIỆC VÀ THÔNG BÁO NGHỈ VIỆC

Dịch vụ tư vấn Luật Lao động trực tuyến qua tổng đài 1900 6172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn về Xin nghỉ việc và Thông báo nghỉ việc khác gì nhau, đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ

Căn cứ Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:

“Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Theo quy định trên, dù người lao động đang ký Hợp đồng lao động vô thời hạn hay hợp đồng xác định thời hạn, khi muốn nghỉ việc chỉ cần thông báo trước đúng và đủ số ngày theo quy định là được nghỉ. Do đó, pháp luật lao động hiện tại đang mở rộng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ rất nhiều so với Bộ luật lao động năm 2012.

Xin nghỉ việc được hiểu thế nào?

Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 thì Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước đúng thời hạn quy định và trong một số trường hợp thì được nghỉ việc luôn mà không cần báo trước. Tuy nhiên, nhiều người lao động biến “quyền” của mình thành quan hệ “xin – cho”. Điều này được hiểu như sau:

– Quyền đơn phương Chấm dứt HĐLĐ: là trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh chỉ cần NLĐ muốn nghỉ việc thì thông báo với NSDLĐ là sẽ được nghỉ mà không cần sự đồng ý từ NSDLĐ. Ý chí nghỉ việc của NLĐ không phụ thuộc vào hoàn cảnh hoặc ý chí của cá nhân, tổ chức nào khác.

– Quan hệ “xin – cho” nghỉ việc: là NLĐ xin NSDLĐ nghỉ việc và mong được NSDLĐ cho nghỉ việc. Vậy từ quyền được đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì NLĐ tự biến mình thành quan hệ “xin – cho” nghỉ việc hay nói cách khác đây là thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Vậy từ quyền được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người lao động lại biến thành quan hệ “xin – cho” – thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.

Như vậy, người lao động tự đánh mất quyền của mình chứ không phải pháp luật hạn chế quyền hoặc không bảo vệ người lao động;

Thông báo nghỉ việc được hiểu thế nào?

Người lao động sử dụng quyền được đơn phương chấm dứt HĐLĐ của mình để thông báo với Người sử dụng lao động về kế hoạch nghỉ việc. Theo đó, đến thời hạn nghỉ việc như đã thông báo, Người lao động nghỉ việc và thực hiện đúng các nghĩa vụ bàn giao.

Lưu ý: NLĐ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần biết Người sử dụng lao động có đồng ý cho NLĐ nghỉ việc hay không. Vì đây là quyền, do đó, dù Người sử dụng lao động có không đồng ý thì cũng không có quyền bắt người lao động phải làm việc tiếp. Hơn nữa, việc Người lao động nghỉ việc theo như kế hoạch đã thông báo không trái quy định của luật và không đặt ra trách nhiệm bồi thường.

Xin nghỉ việc và Thông báo nghỉ việc

Kết luận: 

Như vậy, trong trường hợp của bạn: Bạn đang từ bỏ quyền được đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà lại chuyển sang quan hệ xin nghỉ việc và chờ được công ty đồng ý cho nghỉ việc. Tự bạn đẩy bạn sang hoàn cảnh: nghỉ ngang. Do đó, hãy thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của bạn bằng cách: Thông báo bằng văn bản về việc kế hoạch nghỉ việc của bạn và nghỉ việc đúng như kế hoạch đã thông báo, Công ty không có quyền đồng ý cho bạn nghỉ việc hay không. Hãy nhớ điều đó.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:

Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề gì thắc mắc Xin nghỉ việc và Thông báo nghỉ việc khác gì nhau? có phải bằng văn bản; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp

luatannam