Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất
Bà tôi có một mảnh đất diện tích khoảng 1000m2 dùng để trồng cây và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tên của bà tôi. Năm 1976, bà tôi có cho em gái họ của bà mượn đất để sản xuất cho đến nay. Tháng 4/2017, bà tôi qua đời và có để lại thừa kế mảnh đất cho bố tôi – là con duy nhất. Nhưng khi bố tôi đến lấy đất thì người bà tôi cho mượn đất không trả và nói đất này của họ vì đã sử dụng lâu dài. Vậy trường hợp này xác định ai là người có quyền sử dụng đất?
- Không hoàn trả lại đất đã mượn
- Cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác mượn
- Đòi lại đất cho mượn nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
Tư vấn pháp luật đất đai:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn về vấn đề:Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất; chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, theo quy định này giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý làm cơ sở để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp và người sử dụng đất hợp pháp.
Đối với trường hợp của bạn: mảnh đất của bà bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tên của bà bạn nhưng bà bạn cho em họ mượn để sản xuất thì người sử dụng đất hợp pháp vẫn được xác định là bà của bạn.
Mặt khác, theo Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền sở hữu tài sản:
“Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Theo quy định này, đối với người chiếm hữu bất động sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.
Tuy nhiên, em họ của bà bạn sử dụng mảnh đất như thế được coi là liên tục, công khai nhưng không được coi là ngay tình vì khi sử dụng mảnh đất trên, thì bà bạn vẫn được xác định là người có quyền sử dụng hợp pháp, đồng thời em họ của bà bạn biết rõ ai là người có quyền sử dụng đất; do đó dù sử dụng trên 30 năm thì người này cũng không được xác định là chủ sở hữu của quyền sử dụng mảnh đất nói trên.
Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 19006172
Ngoài ra, khi bà bạn mất và bố bạn là người thừa kế cho nên theo quy định thì bố bạn là người có quyền sử dụng đất đối với mảnh đất của bà bạn để lại.
Tóm lại:
Người có quyền sử dụng phần đất nói trên là bố bạn chứ không phải là cô em gái của bà bạn. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, bố bạn có thể yêu cầu hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất. Trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng em họ của bà bạn không thực hiện thì bố bạn có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất (theo Điều 202 và Điều 203 Luật đất đai 2013).
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề: Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tại các bài viết:
Thủ tục hòa giải tranh chấp về đất đai
Nơi nộp đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai
Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.