Các khoản phí, lệ phí phải nộp khi nhận thừa kế đất theo di chúc
Bố và mẹ tôi kết hôn năm 1996. Đến năm 2009 thì bố mẹ tôi ly hôn. Khi ly hôn thì quyền sử dụng đất của bố mẹ tôi đã được chia đôi. Tôi có ở với bố tôi nhưng năm 2018 bố tôi mất và để lại di chúc cho tôi được quyền thừa kế đất và nhà của bố tôi. Hiện nay tôi muốn sang tên cho tôi thì tôi phải nộp các khoản phí và lệ phí gì vậy? Thủ tục để sang tên tôi cần chuẩn bị các giấy tờ gì?
Luật sư tư vấn trực tuyến về pháp luật đất đai 24/7: 19006172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn.. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, các khoản phí, lệ phí phải nộp khi nhận thừa kế đất theo di chúc
1. Thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định:
“Điều 4. Thu nhập được miễn thuế
4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”
Theo quy định trên, trường hợp nhận thừa kế là bất động sản giữa cha đẻ với con đẻ thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, khi bạn làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
2. Lệ phí trước bạ
Căn cứ Khoản 10 Điều 5 Thông tư 301/2016/TT-BTC quy dịnh:
“10. Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Do đó, việc thừa kế nhà – đất giữa cha đẻ với con đẻ sẽ không phải đóng lệ phí trước bạ.
3. Lệ phí địa chính
Theo điểm e Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC quy định:
Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất là khoản thu mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất gồm: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắnliền với đất; chứng nhận đăng ký biến động về đất đai; trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính.
– Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế – xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp; đảm bảo nguyên tắc sau: Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân.
Thứ hai, thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhận thừa kế
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT sửa đổi Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định như sau:
“Điều 7. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về hồ sơ địa chính
…
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:
a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
b) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.
Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
c) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;”
Như vậy, để sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhận thừa kế theo di chúc bạn cần phải chuẩn bị giấy tờ sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK
– Di chúc
– Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
+) Nơi nộp hồ sơ: Căn cứ Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì bạn nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Bên cạnh đó, nếu có nhu cầu có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
+) Thời hạn giải quyết: tại điểm d Khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì thời hạn giải quyết hồ sơ là 10 ngày. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 10 ngày.
Trong quá trình giải quyết nếu có gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Dịch vụ tư vấn online về Luật đất đai 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.
–>Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai