Tôi xin hỏi vấn đề sau: Tôi mới đi làm được 3,5 tháng, trong đó 2 tháng đầu thử việc có ký hợp đồng và tháng thứ 3 thì lên nhân viên chính thức thì không ký hợp đồng làm việc mà làm được 1 tháng 4 ngày thì bị buộc thôi việc vì lý do không đạt doanh số đặt ra, thông báo nghỉ ngay ngày hôm sau thì doanh nghiệp có sai không? Mong anh chị tư vấn giúp tôi.
- Thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
- Bồi thường cho người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật
- Đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi công ty không trả lương đúng thời hạn
Tư vấn hợp đồng lao động:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn; chúng tôi xin trả lời cho bạn như sau:
Thứ nhất, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
“Điều 7. Thông báo kết quả về việc làm thử
1. Trong thời hạn 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.”
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 26 Bộ Luật lao động 2012 quy định:
“2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc”.
Như vậy, theo quy định trên, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động giao kết hợp đồng thử việc đối với hợp đồng mùa vụ, tức là hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng. Do đó, khi bạn được công ty ký hợp đồng thử việc đồng nghĩa với việc nếu sau khi hợp đồng thử việc kết thúc, việc làm thử đạt yêu cầu, công ty phải giao kết hợp đồng lao động có thời hạn hoặc hợp đồng không xác định thời hạn. Vậy nên, từ tháng thứ 3 trở đi, bạn đã là nhân viên chính thức làm việc theo hợp đồng lao động của công ty. Tuy nhiên, loại hợp đồng mà hai bên giao kết phụ thuộc vào thỏa thuận của bạn và công ty, nếu không có thỏa thuận thì khi có tranh chấp sẽ dựa vào bản án, quyết định của Tòa án theo nguyên tắc loại hợp đồng lao động này phải có thời hạn ít nhất là 12 tháng. Khi đó, công ty muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân theo các quy định trong Bộ luật lao động 2012.
Theo thông tin bạn cung cấp, công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn vì không đạt doanh số đặt ra. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012:
“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động”.
Và điều khoản này được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 05/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
“Điều 12. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại các Điểm a và c Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.
Do bạn không nói rõ công ty bạn có quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp hay không nên cần chia hai trường hợp như sau:
+) Nếu trong quy chế của công ty quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc thì công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Tuy nhiên, công ty cần tuân thủ về thời hạn báo trước theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 như sau:
“Điều 38: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.
Bởi vậy, việc công ty thông báo ngày hôm trước mà cho bạn nghỉ việc ngày hôm sau sẽ phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong những ngày không báo trước.
Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 19006172
+) Nếu trong quy chế công ty không có quy định về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc thì công ty không có căn cứ để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Khi đó, công ty buộc bạn thôi việc sẽ phải có nghĩa vụ đối với bạn theo Điều 42 Bộ luật lao động 2012 như sau:
“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 31 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
“Điều 31. Vi phạm quy định về tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, tổ chức có một trong các hành vi sau đây:
a) Không ký hợp đồng với người lao động theo quy định”.
Theo đó, việc công ty không ký hợp đồng lao động với bạn khi hết thời gian thử việc là hành vi vi phạm quy định về ký kết hợp đồng và bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết: Chấm dứt hợp đồng khi không ký hợp đồng lao động mới
Trong quá trình giải quyết có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 19006172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Đăng ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có mất phí hay không?
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất
- Doanh nghiệp có được chậm trả lương cho nhân viên do dịch Covid?
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lương quá thấp
- Không được bố trí đúng công việc có được đơn phương chấm dứt HĐLĐ?