Xin chào anh/chị em có 3 vấn đề mong anh chị giải đáp giúp em.
Vấn đề thứ 1: Hiện tại em đang làm việc cho một công ty nước ngoài, khi ký hợp đồng lao động thì trong hợp đồng có ghi rõ thời giờ làm việc là 8h/ca/ngày được nghỉ 10 phút sau 2 tiếng làm việc và được nghỉ 30 phút ăn cơm và phải đến trước 15 phút để họp đầu ca. Nhưng khoảng 4 tháng nay công ty bắt công nhân phải ở lại để họp cuối ca khoảng 30 phút có hôm 60 phút (đối với ca 1 từ 5h45 đến 14h00) mà không được tính là tăng ca. Khi chúng tôi quá bức xúc và nêu ý kiến lên thì công ty ra quyết định bắt buộc chúng tôi phải ở lại thêm 30 phút để họp chất lượng, chúng tôi hỏi có được tính tiền cho khoảng thời gian ở lại đó không thì được tổng giám đốc trả lời là công ty lấy lại 30 phút giờ ăn cơm để họp nên sẽ không được trả lương cho 30 phút đó.
Vấn đề thứ hai: Công ty thường bắt công nhân ở lại kiểm tra hàng hóa mà không được tính lương, công ty lấy lý do công nhân làm hàng không đạt (sản xuất 6000 đến 12000 hàng trên 8h làm việc) chỉ cần có 1 cây hàng hư là phải ở lại làm không lương kiểm lại hết.
Vấn đề thứ ba: Tiền nghỉ bệnh được hưởng lương bảo hiểm xã hội đã 8 tháng (mỗi tháng chỉ nghỉ khoảng 1 đến 2 ngày không phải nghỉ dài hạn chữa trị) mà vẫn chưa được trả ngày nào, khi hỏi thì công ty đùn đẩy trách nhiệm (công ty 1 tháng là có một quản lý nhân sự mới) và người nhân sự hiện mới làm việc trả lời em là đến tháng 3/2017 thì mới được chi trả tiền bệnh nêu trên.
Vậy xin hỏi anh chị hiện tại công ty làm như thế có đúng với luật lao động không, nếu sai thì sai như thế nào và bây giờ chúng tôi phải làm sao. Và xin hỏi điều kiện thế nào thì được thành lập công đoàn tại công ty.
- Quy định về thời giờ làm việc bình thường
- Thời giờ làm việc theo Bộ Luật lao động năm 2012
- Tư vấn về thời gian nghỉ ngơi trong giờ làm việc
Tư vấn hợp đồng lao động:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Về vấn đề thứ nhất, về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 3 Điều 108 Bộ Luật lao động 2012 về nghỉ trong giờ làm việc:
” 1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.”
Theo đó, công ty bạn làm việc 8h/ca/ngày nên người lao động sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, thời gian này tính vào thời giờ làm việc. Do đó, thời gian nghỉ ăn cơm 30 phút của công ty được xác định là nghỉ giữa giờ còn thời gian nghỉ 10 phút sau 2 tiếng làm việc được xác định là các đợt nghỉ ngắn theo khoản 3 Điều 108 nêu trên. Vì vậy, việc công ty yêu cầu người lao động đến sớm 15 phút và ở lại họp 30 phút sau khi hết giờ làm mà không trả tiền lương là không đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.”
Như vậy, khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường thì được xác định là làm thêm giờ. Do đó, thời gian làm việc trước 15 phút cộng với thời gian họp 30 sau khi hết giờ làm việc được xác định là làm thêm giờ. Vì thế, công ty có trách nhiệm trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo Điều 97 Bộ luật lao động 2012.
Về vấn đề thứ hai, theo như quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ Luật lao động 2012 thì bạn đã làm đủ 8 tiếng cho nên nếu việc công ty bắt bạn làm thêm để kiểm tra hàng thì đây được tính là làm thêm giờ, khi đó công ty bạn sẽ phải tính tiền lương cho bạn trong thời gian này theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012.
Về vấn đề thứ ba, thời hạn giải quyết chế độ ốm đau. Theo quy định tại khoản 3 điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về giải quyết hưởng chế độ ốm đau:
“2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;”
Như vậy, tối đa sau 20 ngày, kể từ ngày bạn nộp đủ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau thì bạn sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết và tổ chức chi trả tiền. Do đó, việc bạn đã nộp hồ sơ 08 tháng mà chưa được giải quyết là không đúng. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể liên hệ với phía công ty hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu có vi phạm, bạn có thể khiếu nại đến Ban chấp hành công đoàn hoặc Phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện
Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172
Về thành lập công đoàn, theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ Luật lao động 2012 về thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức:
“1. Người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn.”
Và theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 98/2014/NĐ-CP về quy định thành lập các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp:
“1. Tổ chức Công đoàn
a) Doanh nghiệp có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.”
Vậy nên việc thành lập công đoàn là tự nguyện của người lao động, đó là quyền của người lao động và để thành lập công đoàn thì chỉ cần có từ 5 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam. Mặt khác, việc thành lập tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp là không bắt buộc đối với doanh nghiệp tuy nhiên Nhà nước khuyến khích thành lập.
Ngoài ra, bạn vui lòng tham khảo thêm trường hợp nghỉ việc tại bài viết sau:
Thời giờ làm việc một ngày của người lao động
Tiền lương làm căn cứ tính tiền lương làm thêm giờ cho người lao động
Nếu trong quá trình giải quyết còn vấn đề gì thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.
- Tính trợ cấp thôi việc khi có tháng lẻ như thế nào?
- Xử lý HĐLĐ vô hiệu từng phần về nội dung tiền lương của người lao động
- Thời gian thử việc đối với lao động phổ thông
- Công ty có được chuyển lao động nữ làm việc khác sau khi nghỉ thai sản?
- Báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động bị xử phạt như thế nào?