19006172

Cháu nội có được nhận thừa kế của ông bà khi bố mất trước không

Cháu nội có được nhận thừa kế của ông bà khi bố mất trước không

Ông bà nội tôi có mảnh đất ở diện tích 200 m2 nhưng ông mất năm 2014 không để lại di chúc. Bố tôi mất trước ông bà một năm. Hiện nay các cô chú có chia mảnh đất của ông bà để lại. Cho tôi hỏi trường hợp khi cô chú chia thì anh em tôi có được chia phần đất mà ông bà để lại không? Khi phân chia di sản thừa kế ở văn phòng công chứng có phải niêm yết văn bản chia thừa kế tại UBND xã không



Cháu nội có được nhận thừa kế

Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến 24/7: 19006172

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn.. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, cháu nội có được nhận thừa kế của ông bà khi bố mất trước không

Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà nội của bạn đã mất năm 2014 nhưng không để lại di chúc. Nếu gia đình bạn không có văn bản thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế thì quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của ông bạn sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Như vậy, di sản thừa kế của người chết để lại sẽ được phân chia cho hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ hoặc chồng người mất, cha mẹ đẻ của người mất, cha mẹ nuôi của người mất, con đẻ và con nuôi hợp pháp. Và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 

Bên cạnh đó, căn cứ Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Điều 652. Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Theo quy định trên, do bố bạn mất trước ông bà một năm nên khi ông bà bạn mất thì bạn cùng anh chị em của bạn sẽ được nhận phần di sản thừa kế của bố bạn. Do đó, khi cô chú bạn chia thừa kế mảnh đất của ông bà bạn để lại thì tất cả anh chị em bạn sẽ được 1 suất thừa kế trong phần di sản của ông bà để lại.

Thứ hai, về vấn đề có phải niêm yết văn bản phân chia di sản thừa kế ở UBND không

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP về địa điểm niêm yết việc thụ lý công chứng khai nhận thừa kế:

“Điều 18. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản

1. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.”

Như vậy, trong trường hợp cô chú của bạn tiến hành phân chia di sản thừa kế thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của ông bà bạn phải được niêm yết tại Ủy ban nhân nhân cấp xã nơi có mảnh đất này.

Trong quá trình giải quyết nếu có gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến đất đai 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.

–>Cấp GCN quyền sử dụng đất khi được thừa kế

luatannam