Chia lại đất khi đất đã được sang tên sổ đỏ
Xin chào Luật sư. Tôi có sự việc như sau muốn trình bày và nhờ luật sư tư vấn giúp. Bà nội tôi gần 80 tuổi (ông nội đã mất từ chiến tranh) có 3 người con: ba tôi là con đầu, một người cô và chú út. Ba tôi và cô tôi lập gia đình có nhà riêng. Bà nội ở với vợ chồng chú út và đang ở trên mảnh đất 800m2 đứng tên riêng của bà nội, không liên quan gì đến gia đình chú út. Bà nội có nói là chia cho ba tôi và cô tôi mỗi người 200m2 phần còn lại trên ngôi nhà là để cho chú út nhưng chưa chia được vì tâm lý người già sợ vợ chồng chú tôi hắt hủi lúc tuổi già.
Năm ngoái là năm 2017, vợ chồng chú tôi âm thầm dẫn nội tôi đi làm chứng thực chuyển nhượng cho vợ chồng chú đứng tên làm chủ mảnh đất trên. Vợ chồng chú tôi có nhờ người hàng xóm đi công chứng xác nhận nhà nội tôi chỉ có một người con là chú tôi.
Luật sư cho tôi hỏi vấn đề như sau:
– Thứ nhất, việc nội tôi chuyển nhượng mảnh đất trên cho vợ chồng chú tôi trong trường hợp nội tôi già cả không nắm rõ mục đích của việc chuyển nhượng chỉ cho một mình chú tôi; trong khi ba tôi và cô tôi không nắm rõ việc chia tài sản như vậy có đúng thủ tục pháp lý hay không? Việc làm của chú tôi như vậy có đúng pháp lý hay không?
– Thứ hai, bây giờ ba tôi và cô tôi được nội tôi thông báo chia đất mỗi người 200m2; phần còn lại là cho chú tôi nhưng sổ đỏ lại đứng tên vợ chồng chú tôi, vợ chồng chú tôi không chịu cho. Như vậy nội tôi giờ có quyền chia tài sản mảnh đất trên cho ba và cô tôi không? Nếu trong trường hợp nội tôi không có quyền quyết định chia mảnh đất trên thì nội tôi, ba tôi và cô tôi cần phải làm gì để được chia theo đúng nguyện vọng của nội tôi.
Xin cảm ơn luật sư.
- Đòi chia đất là di sản khi đã sang tên cho người khác
- Ai có quyền yêu cầu phân chia đất?
- Chia đất tặng cho đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Tư vấn pháp luật đất đai:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Với trường hợp: Chia lại đất khi đất đã được sang tên sổ đỏ; chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc chuyển nhượng đất từ bà nội sang chú bạn;
Theo thông tin bạn cung cấp, bà nội bạn có mảnh đất 800m2 đã được cấp Giấy chứng nhận đứng tên bà bạn. Đến năm 2017, chú bạn cùng bà đi làm thủ tục sang tên mảnh đất này cho vợ chồng chú bạn, khi đó, việc sang tên cho chú bạn không cần sự đồng ý của bố bạn và cô bạn. Vậy, hiện tại vợ chồng chú bạn là người sử dụng đất hợp pháp và bà nội bạn không có quyền đối với diện tích đất này.
Bên cạnh đó, việc xác định việc chuyển nhượng đất từ bà nội sang chú của bạn có hợp pháp không bạn vui lòng căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần tuân thủ trình tự – thủ tục quy định tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
Thứ hai, chia lại đất sau khi đã sang tên cho chú bạn;
Như đã phân tích ở trên, bà nội bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc bà bạn chuyển nhượng đất cho chú là hoàn toàn hợp pháp. Theo đó, hiện nay người có quyền đối với mảnh đất 800m2 là chú bạn chứ không phải bà bạn. Tuy nhiên, mong muốn của bà trước khi chuyển nhượng đất cho chú là: tặng cho bố bạn và cô bạn mỗi người 200m2. Vì vậy, có thể khi thực hiện việc chuyển nhượng đất cho chú bạn, bà bạn chỉ muốn chuyển nhượng một phần đất cho chú, phần còn lại sẽ để cho các con khác của bà thì việc chú làm giấy tờ sang tên toàn bộ mảnh đất như trên là vi phạm pháp luật. Do đó, việc bà bạn muốn phân chia lại đất thì cần chứng minh việc chuyển nhượng đất giữa bà và vợ chồng chú của bạn là vô hiệu, cụ thể tại Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”
Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 19006172
Như vậy, nếu có căn cứ cho rằng việc chuyển nhượng đất giữa bà bạn và vợ chồng chú bạn là vô hiệu thì bà bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự là vô hiệu theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, thời hiệu để tuyên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà bạn sang chú bạn là vô hiệu do lừa dối là 2 năm kể từ ngày bà bạn biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị lừa dối (theo Điều 132 Bộ luật dân sự năm 2015).
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề: Chia lại đất khi đất đã được sang tên sổ đỏ.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo bài viết sau:
Thủ tục hòa giải tranh chấp về đất đai
Thời gian thụ lý đơn khởi kiện tranh chấp đất đai
Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề liên quan đến: Chia lại đất khi đất đã được sang tên sổ đỏ; bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.
- Quy định về mục đích sử dụng của phí vận hành chung cư
- Xây dựng đường và cải tạo mộ phần trên đất của người khác
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ruộng khai hoang từ năm 1993
- Có được xây dựng công trình trên đất thuê không?
- Cách ghi thông tin trên Giấy chứng nhận sở hữu nhà của người thuê đất