Chia lại di sản thừa kế khi đất đã được cấp sổ đỏ
Chia lại di sản thừa kế khi đất đã được cấp sổ đỏ? Tổng đài cho em hỏi: mảnh đất nhà em đang ở, trước là của ông bà nội em. Ông bà nội em có hai con trai là bác và bố em. Bác em sau khi lấy vợ đã được chia đất, còn bố em lấy vợ sau nên ở với ông bà. Năm 1999, ông nội mất và không có bất kì di chúc gì để lại. Sau đó vài năm, bà nội đã tự ý sang tên sổ đỏ mảnh đất đang ở cho bố mẹ em mà các bác không ai được biết. Đến giờ bác trai em lại đòi chia mảnh đất mà đã sang tên sổ đỏ cho nhà em hơn chục năm nay. Bà cũng có ý muốn chia. Em muốn hỏi là nhà em bây giờ không đồng ý chia là đúng hay sai? Và vì trước đó ông nội em là người đứng tên mảnh đất là nguồn gốc từ các cụ để lại lâu đời. Giờ bà nội có quyền chia lại di sản thừa kế không khi sổ đỏ đã đứng tên bố mẹ em. Em cảm ơn ạ.
- Yêu cầu chia di sản thừa kế của người thân mất năm 2015
- Nghĩa vụ tài chính khi cấp sổ đỏ cho đất được thừa kế
- Con dâu có được nhận di sản thừa kế không?
Tư vấn pháp luật đất đai:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Về: Chia lại di sản thừa kế khi đất đã được cấp sổ đỏ; chúng tôi xin tư vấn như sau:
Nguồn gốc mảnh đất mà gia đình bạn đang sử dụng là của ông nội bạn để lại. Năm 1999, ông nội bạn mất không để lại di chúc nên di sản – mảnh đất đứng tên của ông bạn nên theo Điều 677, Điều 678 Bộ luật dân sự năm 1995 thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Do đó, theo Khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định về hàng thừa kế như sau:
“1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.”
Theo quy định trên, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được chia di sản và nhận phần thừa kế bằng nhau, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Cụ thể, trong trường hợp này: bà nội, bố bạn, bác bạn và các người con khác của ông nội bạn.
Như vậy, mảnh đất mà ông nội bạn để lại là tài sản chung hợp nhất của các đồng thừa kế theo Điều 229, Điều 231 Bộ luật dân sự năm 1995. Đồng thời, việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật. Do đó, việc bà nội bạn tự ý sang tên quyền sử dụng đất – di sản thừa kế của ông nội bạn – cho bố bạn là vi phạm về trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 19006172
Bên cạnh đó, theo Điều 623 và Khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm nên trong trường hợp này, thời hiệu chia di sản do ông nội bạn vẫn còn. Do đó bà và bác của bạn có quyền yêu cầu phân chia lại di sản thừa kế của ông bạn. Việc chia lại đất có thể thực hiện theo khởi kiện vụ án dân sự theo Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Kết luận: Do việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái với quy định của pháp luật nên bác bạn có quyền yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận đã cấp và phân chia lại di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau: Thời hạn đăng ký biến động đất đai sau khi chia di sản thừa kế
Trên đây là quy định của pháp luật về: Chia lại di sản thừa kế khi đất đã được cấp sổ đỏ. Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc về đất đã được cấp sổ đỏ; bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.