Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư
Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư? Mẹ tôi có mảnh đất tại khu 5, phường An Phú Đông, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Mảnh đất bao gồm 618 m2 đất vườn và 192 m2 đất ở. Giờ mẹ tôi muốn chuyển toàn bộ 618 m2 đất nông nghiệp thành đất thổ cư. Vậy thủ tục như thế nào, giá đất thổ cư được tính như thế nào? Tôi nghe nói lên đất thổ cư không có đóng tiền có thể gia hạn 2 – 3 năm.
- Tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp
- Chuyển mục đích sử dụng đất
- Chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất trồng rau
Tư vấn pháp luật đất đai:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Với trường hợp của bạn, tổng đài xin tư vấn như sau:
Trước hết bạn cần lưu ý: Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang đất ở thì diện tích đất ở của gia đình bạn không được vượt quá hạn mức công nhận đất ở do UBND tỉnh quy định. Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Quyết định 18/2016/QĐ-UBND:
“Điều 1. Quy định hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân và mục đích áp dụng hạn mức như sau:
1. Hạn mức đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân:
b) Các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 200m2/hộ.”
Như vậy, hạn mức đất ở tại quận 12, Tp. Hồ Chí Minh không quá 200 m2/hộ. Tuy nhiên gia đình bạn đã có 192 m2 đất nên gia đình bạn chỉ được chuyển mục đích sử dụng từ 8 m2 đất vườn sang đất ở.
Thứ nhất về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp
Căn cứ theo quy định tại điểm d Khoản 1Điều 57 Luật đất đai năm 2013 việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về trình tự – thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện như sau:
Hồ sơ:
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm:
1. Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
Nơi nộp hồ sơ:
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 59 Luật đất đai 2013 và điểm b khoản 1 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất là: Phòng tài nguyên và môi trường huyện nhận hồ sơ và trả kết quả.
Về thời gian chuyển mục đích sử dụng đất
Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 61 Nghị định 43/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì thời gian thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 15 ngày. Thời gian này không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Thứ hai về tiền chuyển mục đích sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP:
“Điều 5. Thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất
2. Đối với hộ gia đình, cá nhân:
b) Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 19006172
Như vậy
Tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở = tiền sử dụng đất theo giá đất ở – tiền sử dụng đất theo giá đất nông nghiệp.
Do thông tin bạn cung cấp không nêu rõ đất nông nghiệp của bạn thuộc loại đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm,… nên chúng tôi không thể tính mức tiền cụ thể nên bạn vui lòng tham khảo bảng giá đất nông nghiệp và bảng giá đất ở do UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định.
Thứ ba về ghi nợ tiền chuyển mục đích sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP:
“Điều 16. Ghi nợ tiền sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất. Người sử dụng đất được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.”
Như vậy
Hộ gia đình – cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đang có khó khăn về tài chính và nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Trên đây là giải đáp về vấn đề: Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tại các bài viết sau:
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính
Thời hạn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng
Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.
- Nhà nước bồi thường theo giá đất nông nghiệp khi thu hồi đất
- Đã ký vào hợp đồng nhận đặt cọc để chuyển nhượng nhưng đất lại có tranh chấp
- Trình tự, thủ tục đề nghị trích lục hồ sơ đất đai theo quy định hiện hành
- Có được xây dựng phần móng lấn sang đất của nhà hàng xóm không?
- Nhập khẩu mẹ ruột vào sổ hộ khẩu gia đình để mua đất trồng lúa