19006172

Công chứng hợp đồng ủy quyền định đoạt quyền sử dụng đất

Công chứng hợp đồng ủy quyền định đoạt quyền sử dụng đất

Sau khi ly hôn, ba tôi có bán cho mẹ tôi một mảnh đất giá rất rẻ với điều kiện phải cho tôi (20 tuổi) đứng tên mảnh đất đó. Một năm trước mẹ tôi đã dẫn tôi đến phòng công chứng để ký một số giấy tờ, vì tin tưởng mẹ nên tôi đã ký hết giấy tờ. Nay tôi mới biết đó là giấy tờ ủy quyền đất đai cho mẹ tôi. Vậy cho tôi hỏi nhân viên Phòng công chứng không cho tôi đọc hay giải thích cho tôi về nội dung những giấy tờ đó thì có vi phạm pháp luật không? Tôi có thể đơn phương hủy hợp đồng được không? Mẹ tôi có thể định đoạt quyền sử dụng đất của tôi không như bán, cho thuê hay tặng cho tài sản mà không thông qua ý kiến của tôi không?



Định đoạt quyền sử dụng đất

Tư vấn pháp luật đất đai:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấnVề vấn đề này tổng đài xin tư vấn như sau:

Quyền của mẹ bạn đối với mảnh đất của bạn

Căn cứ Điều 562 Bộ luật dân sự 2015:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Hợp đồng ủy quyền của bạn và mẹ bạn có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện được nêu tại Điều 117 Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể:

+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Như thông tin bạn cung cấp thì cả bạn và mẹ bạn đều có đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật.

+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Bạn đã 20 tuổi bạn đủ khả năng để nhận thức được hệ quả pháp lý khi mình ký tên trên bất cứ loại giấy tờ nào. Bạn không thể lấy lý do mình không được đọc, không hiểu để nói mình không tự nguyện. Như vậy hợp đồng ủy quyền vẫn đáp ứng được điều kiện này.

+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Nội dung hợp đồng xoay quanh việc ủy quyền không vi phạm điều cấm của pháp luật và cũng không trái với đạo đức xã hội.

Như vậy, hợp đồng ủy quyền giữa bạn và mẹ bạn đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, mẹ bạn được thực hiện những giao dịch quy định tại Điều 139 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.

2. Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.

3. Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.”

Phụ thuộc vào phạm vi ủy quyền được xác định trong hợp đồng ủy quyền mà mẹ bạn có quyền thực hiện các giao dịch với người thứ ba và giao dịch này làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bạn. Do đó, nếu trong hợp đồng ủy quyền xác định mẹ bạn được đại diện định đoạt quyền sử dụng mảnh đất nói trên thì mẹ bạn có thể bán đất, tặng cho, cho thuê hay thế chấp quyền sử dụng mảnh đất mà không cần sự đồng ý của bạn.

Thời hạn ủy quyền và đơn phương chấm dứt quan hệ ủy quyền

Căn cứ Điều 563 Bộ luật dân sự 2015, thời hạn ủy quyền được xác định theo hợp đồng ủy quyền. Trường hợp hợp đồng ủy quyền giữa bạn và mẹ bạn không xác định thời hạn thì thời hạn là 1 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Bên cạnh đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền được thực hiện theo Điều 569 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

Định đoạt quyền sử dụng đất

Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 19006172

Trường hợp 1: Nếu ủy quyền có thù lao, bạn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho mẹ bạn tương ứng với công việc mà mẹ bạn  đã thực hiện và bồi thường thiệt hại;

Trường hợp 2: Nếu ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; 

Lưu ý: Bạn phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng giữa mẹ bạn với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

Về hành vi của cán bộ công chứng không giải thích về nội dung ủy quyền

Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 17 Luật công chứng 2014 quy định:

“2. Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:

d) Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng”.

Theo thông tin bạn cung cấp thì công chứng viên không giải thích rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của bạn cũng như ý nghĩa, hậu quả pháp lý của việc công chứng là không thực hiện đúng nghĩa vụ của công chứng viên. Bên cạnh đó, theo khoản 7 Điều 40 và khoản 3 Điều 41 Luật công chứng 2014 thì trước khi thực hiện công chứng hợp đồng, người yêu cầu công chứng (bạn) tự đọc dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. 

Như vậy, hành vi không cho bạn đọc nội dung hợp đồng ủy quyền cũng như không giải thích rõ quyền và nghĩa vụ khi ký hợp đồng cho bạn biết của công chứng viên là không đúng quy định của pháp luật. Khi đó, căn cứ Điều 52 Luật công chứng 2014 thì bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Trên đây là tư vấn của tổng đài về vấn đề của bạn

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết:

Xác lập quyền sở hữu khi được ủy quyền sử dụng đất

Hợp đồng mua bán đất không công chứng có vô hiệu?

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.

luatannam