19006172

THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN

THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

1, Họp mặt những người thừa kế

“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản;

2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.”

Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế (tức là khi người để lại di sản chết) hoặc công bố di chúc thì những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những vấn đề như:

  • Cử người quản lý,
  • Phân chia di sản,
  • Cách thức phân chia di sản…

Mọi thỏa thuận giữa những người thừa kế đều phải được lập thành văn bản. Quy định giúp tránh những tranh chấp sau này và đây là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa những người thừa kế sau này.

Đề cao nguyên tắc tự thỏa thuận trong mối quan hệ dân sự đặc thù này nên pháp luật không quy định văn bản thỏa thuận của những người thừa kế phải được công chứng, chứng thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi điều kiện này là bắt buộc trong các giao dịch về tặng cho, chuyển nhượng tài sản là nhà và đất.

2. Người phân chia di sản

Người phân chia di sản có thể đồng thời là người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc được những người thừa kế thoả thuận cử ra.

Người phân chia di sản phải chia di sản theo đúng di chúc hoặc đúng thoả thuận của những người thừa kế theo pháp luật.

Người phân chia di sản được hưởng thù lao, nếu người để lại di sản cho phép trong di chúc hoặc những người thừa kế có thoả thuận.

3. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Để đảm bảo trật tự trong thanh toán và phân chia di sản, giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, pháp luật quy định thứ tự ưu tiên thanh toán di sản.

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau:

  1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
  2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
  3. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
  4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
  5. Tiền công lao động;
  6. Tiền bồi thường thiệt hại;
  7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;
  8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;
  9. Tiền phạt;
  10. Các chi phí khác.

Thanh toán di sản thực chất là thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại đồng thời trừ đi phần tài sản phát sinh từ việc phục vụ cho người chết (chi phí mai táng) cũng như chi phí cho việc quản lý di sản. Việc thanh toán di sản thừa kế dựa trên cơ sở chủ thể có nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ.

Như vậy, chỉ được coi là thanh toán di sản khi những nghĩa vụ về tài sản lẽ ra phải do chính bản thân người chết thực hiện nhưng người này chưa thực hiện hoặc đang thực hiện thì chết cùng với chi phí mai táng cho người này và chi phí quản lý di sản.

Khi thanh toán di sản phải xác định được các nội dung sau đây:

  • Xác định người thực hiện nghĩa vụ thanh toán;
  • Xác định người được thanh toán di sản;
  • Xác định giới hạn của việc thanh toán;
  • Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán.

Theo thứ tự ưu tiên thanh toán do pháp luật quy định như trên, khi thanh toán tài sản phải thanh toán từng nghĩa vụ một. Nghĩa vụ tiếp theo chỉ được thanh toán khi những nghĩa vụ trước đó đã được thanh toán hoặc đã được thanh toán theo đúng yêu cầu của người có quyền.

Do vậy, nếu sau khi thanh toán xong tất cả các nghĩa vụ tài sản mà vẫn còn di sản thì sẽ trở thành di sản thừa kế. Nếu toàn bộ di sản người chết không đủ thanh toán các nghĩa vụ hoặc là thành toán vừa đủ thì không còn phần di sản để xác định là di sản thừa kế, lúc này sẽ không có vấn đề nhận di sản.

4. Phân chia di sản theo di chúc

Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Tuy nhiên, để xác định rõ phần mà người thừa kế được hưởng là bao nhiêu phải thực hiện việc định giá từng loại tài sản để xác định cụ thể giá trị của toàn bộ khối di sản.

Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản.

Nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

Sau khi mở thừa kế thì bất cứ lúc nào những người thừa kế cũng có quyền yêu cầu chia di sản. Theo cách phân chia di chúc, di sản được chia theo đúng ý nguyện của người đã chết, do đó, ý chí của người lập di chúc được tôn trọng và thực hiện.

5. Phân chia di sản theo pháp luật

Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những người được thừa kế không phụ thuộc vào di chúc là:

“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Họ chính là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khi phân chia di sản theo pháp luật.

*Lưu ý: Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật.

Việc phân chia di sản theo pháp luật cho những người thừa kế không phải theo ý chí định đoạt của người để lại di sản nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Họ là những người có mối quan hệ đặc biệt với người để lại di sản (quan hệ vợ chồng, quan hệ huyết thống cha con/mẹ con…) hoặc họ lâm vào tình trạng khó khăn (mất khả năng lao động).

*Lưu ý:

– Chia trước và chia hết di sản cho những người thừa kế ở hàng trước, theo thứ tự ưu tiên chia trước và chia đều bằng nhau cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất.

Nếu không có ai ở hàng thừa kết thứ nhất do đã chết hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì di sản chuyển xuống chia đều cho những người thừa kế hàng thứ hai.

Tương tự như vậy ở hàng thừa kế thứ hai, di sản sẽ chuyển xuống chia đều cho hàng thừa kế thứ ba. Trong trường hợp di sản không có người nhận thừa kế thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán mà người chết để lại sẽ thuộc về nhà nước.

– Chia di sản đều nhau cho những người thừa kế cùng hàng.

6. Hạn chế phân chia di sản

Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.

Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế

TH1: Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật.

Nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

TH2: Trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Quyền thừa kế cũng như vấn đề Thanh toán và phân chia di sản thừa kế là một trong những quyền quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến các vấn đề về tài sản, đặc biệt liên quan đến nhà và quyền sử dụng đất –  loại tài sản có giá trị. Hơn thế nữa, đây là mối quan hệ giữa những chủ thể đặc biệt được xác lập bởi quan hệ huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng. Sự phát triển theo hướng tích cực hay tiêu cực của nó ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến các quan hệ pháp luật khác mà còn đến các quan hệ đạo đức xã hội.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau:

Thủ tục sang tên sổ đỏ do nhận thừa kế không có di chúc

Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc về Di sản thừa kế; bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.

Trả lời

luatannam