19006172

Tranh chấp về phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

Phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

Hiện tại gia đình tôi có một mảnh đất của cụ nội để lại và vẫn mang tên chủ sở hữu là cụ bà và cụ sinh ra 5 người con trai và 2 người con gái. Tuy nhiên, cụ ông đã mất năm 1996. Sau khi cụ ông mất thì cụ bà có nói sau này sẽ để lại mảnh đất cho người con út nhưng không lập thành văn bản. Sau khi cụ bà mất vào năm 2008 thì ngôi nhà của 2 cụ đã bị dỡ, việc thờ cúng của các cụ thì ông con trai cả không có trách nhiệm gì nên hiện ông út (còn sống) muốn về xây ngôi nhà trên nền đất của các cụ để lại nhưng bị vấp phải tranh chấp của ông con trai cả. Ông cả muốn lấy hết số đất của các cụ để lại, trong khi chủ sở hữu đất vẫn là mang tên cụ ông. Vậy các Luật sư cho hỏi nếu mang ra pháp luật thì tranh chấp về phân chia di sản thừa kế sẽ giải quyết như thế nào. Xin cảm ơn!



Tư vấn pháp luật đất đai:Phân chia di sản thừa kế

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấnVề vấn đề của bạn, tổng đài xin tư vấn như sau:

Về di chúc miệng của cụ bà

Căn cứ thời điểm cụ bà mất là năm 2008, áp dụng Khoản 5 Điều 652 Bộ Luật dân sự 2005 quy định về di chúc hợp pháp:

“Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”

Theo đó, cụ bà chỉ nói sẽ để lại mảnh đất cho người con út chứ không để lại di chúc cũng như không có người làm chứng ghi chép và đi công chứng nên di chúc miệng này không hợp pháp.

Theo quy định tại Điều 675, 676 Bộ luật dân sự 2005, khi người có tài sản mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì tài sản thuộc sở hữu của người chết được chia thừa kế theo quy định của pháp luật, chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Khi đó, căn cứ khoản 2 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Về thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Căn cứ Điều 645 Bộ luật dân sự 2005 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế:

“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Bên cạnh đó, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.

Theo quy định trên, thời hiệu nói chung và thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Và theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Phân chia di sản thừa kế

Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 19006172

Trong trường hợp này, cụ bà mất từ năm 2008, tính đến nay là 10 năm và di sản để lại là bất động sản nên vẫn còn thời hiệu chia thừa kế. Do đó, một trong 7 người con của 2 cụ đều có thể yêu cầu chia thừa kế.

Như vậy, vì các đồng thừa kế đang có tranh chấp về phân chia di sản, nên một trong các đồng thừa kế có thể nộp đơn yêu cầu phân chia di sản tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản. Tòa án sẽ xem xét, thụ lý và giải quyết vụ việc.

Để tìm hiểu cụ thể hơn về giải quyết tranh chấp đất đai, bạn vui lòng tham khảo tại các bài viết:

Thủ tục hòa giải tranh chấp về đất đai

Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.

luatannam