19006172

Xác định thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai

Xác định thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai

Xác định thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai? Gia đình tôi có mảnh đất sử dụng đã ổn định, liên tục 40 năm không có giấy tờ về đất. Hiện nay gia đình tôi đã đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Khoản 2 Điều 101 Luật đất đai năm 2013.

Năm 2014, gia đình tôi có xin cấp GCN thì bị ông A gửi đơn khởi kiện yêu cầu hòa giải, UBND xã hòa giải không thành. Nhưng ông A vẫn không làm đơn khởi kiện. Sau đó nhà tôi có làm đơn xin cấp GCN thì UBND xã trả lời “Đất đang có tranh chấp”, tôi thì không đồng ý vì ông A có khởi kiện đến Tòa án đâu mà gọi là “Đất đang có tranh chấp”. UBND xã trả lời: Đã có phát sinh đơn đến UBND xã yêu cầu hòa giải thì đất đó đã có tranh chấp rồi. 

Hiện nay, thửa đất trên gia đình không xin cấp GCNQSDĐ được nên căn nhà cất trên đất của gia đình tôi (cất đã gần 40 năm) đã xuống cấp nhưng không thể xây mới lại được. Còn UBND xã thì yêu cầu tôi ra tòa khởi kiện ông A, có bản án rồi UBND xã mới giải quyết vì hiện nay “Đất có tranh chấp” nên không cấp GCNQSDĐ.

Cho tôi hỏi thời điểm xác nhận đất có tranh chấp được tính từ thời điểm nào? Vì theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/06/2016 của HĐTP TAND tối cao có quy định: Thời điểm phát sinh tranh chấp dân sự là ngày khởi kiện, ngày yêu cầu. Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại tòa án. Ông A đã nộp khởi kiện đâu mà xác nhận là đất nhà tôi đang có tranh chấp.



Thời điểm phát sinh tranh chấp đất đaiTư vấn pháp luật đất đai:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấnVới vấn đề thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai; tổng đài xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 24 Điều Luật đất đai năm 2013: “24. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.”. Như vậy,  tranh chấp đất đai được hiểu là tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất, tranh chấp về ranh giới mốc giới giữa các thửa đất,… giữa người sử dụng đất hợp pháp với các cá nhân, tổ chức khác.

Do đó “đất đang có tranh chấp”  trong trường hợp của bạn có thể hiểu là đất đang có tranh chấp về ai là người có quyền sử dụng đất hợp pháp.

Theo thông tin bạn cung cấp: năm 2014, gia đình bạn xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất với ông A và tranh chấp được tiến hành hòa giải tại UBND xã nhưng không thành; sau đó đôi bên không tiến hành giải quyết ở đâu nữa. Do đó, tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa gia đình bạn và ông A chưa giải quyết xong và vẫn chưa xác định được ông A hay là gia đình bạn mới là người có quyền sử dụng đất hợp pháp. Chính vì thế gia đình bạn không thể nào xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Khoản 2 Điều 101 Luật đất đai năm 2013. Đối với thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/06/2016 của HĐTP TAND tối cao chỉ có ý nghĩa để xác định thời hiệu khởi kiện chứ không phải là căn cứ xác định có tranh chấp hay không.

Đối với việc gia đình bạn và ông A hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã không thành thì không cần chờ ông A làm đơn khởi kiện mà gia đình bạn có thể xin hồ sơ hòa giải không thành và tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2014:

“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”

Thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai

Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 1900 6172

Như vậy, đối với với tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có các giấy tờ chứng minh việc sở dụng đất hợp pháp thì bạn có thể tiến hành giải quyết tranh chấp khi hòa giải không thành theo hướng như sau:

+ Hướng 1: Bạn nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tới UBND cấp huyện để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

+ Hướng 2: Bạn nộp đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để tiến hành giải quyết.

Sau khi gia đình bạn tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai và có quyết định giải quyết của cơ quan nhà nước và công nhận gia đình bạn là người sử dụng đất hợp pháp thì gia đình bạn mới có thể tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất nói trên.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề: Xác định thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai.

Ngoài vấn đề xác định thời điểm phát sinh tranh chấp đai đai; bạn có thể tham khảo thêm tại các bài viết về :

Giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Thời gian giải quyết tranh chấp đất đai của UBND cấp huyện

Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc về xác định thời điểm phát sinh tranh chấp đất đai; bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tổng đài tư vấn.

luatannam