Xây nhà có cần đăng ký biến động tài sản trên đất không?
Tôi có một mảnh đất ở nông thôn, đã đăng ký tài sản gắn liền với đất. Nay tôi xây dựng một căn nhà 2 tầng trên thửa đất đó. Vậy tôi có cần đăng ký biến động tài sản trên đất không?
- Các trường hợp phải đăng ký biến động đất đai
- Đăng ký tài sản gắn liền với đất lần đầu
- Tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu
Tư vấn pháp luật đất đai:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Về đăng kí biến động tài sản trên đất, tổng đài xin tư vấn như sau:
Khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014. Trong trường hợp của bạn, bạn không cần phải có giấy phép xây dựng trong trường hợp bạn xây nhà ở riêng lẻ ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ đó không xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa (điểm K khoản 2 điều 89 Luật xây dựng 2014). Nếu không thuộc vào trường hợp trên bạn sẽ phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng căn nhà 2 tầng.
Về vấn đề đăng ký biến động: Căn cứ theo điểm d khoản 4 điều 95 Luật đất đai 2013, đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký thì người sử dụng đất phải thực hiện đăng ký biến động. Với trường hợp của bạn, mảnh đất đã được đăng ký tài sản gắn liền với đất, việc xây căn nhà 2 tầng đã làm thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký trước đó. Như vậy, bạn sẽ phải tiến hành đăng ký biến động.
Thủ tục đăng ký biến động do thay đổi tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký được quy định tại Điều 85 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Bước 1: Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động. Hồ sơ đăng ký biến động do thay đổi về tài sản gắn liền với ất so với nội dung đã đăng ký được quy định tại khoản 6 điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, bao gồm:
(1) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;
(2) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
(3) Bản sao chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 31 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thể hiện nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin về tài sản gắn liền với đất đã ghi trên Giấy chứng nhận.
Nơi nộp hồ sơ: Căn cứ vào khoản 2 Điều 60 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì gia đình bạn nộp hồ sơ tại Văn Phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn Phòng đăng ký đất đai thì Văn Phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp bạn có nhu cầu nộp hồ sơ tại ủy ban nhân dân cấp xã thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
b) Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
Tổng đài tư vấn đất đai trực tuyến 24/7: 19006172
c) Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
d) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;
đ) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động, Căn cứ vào điểm i khoản 2 điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì thời gian thực hiện thủ tục đăng ký biến động do thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký là không quá 10 ngày.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày, trừ thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai.
Kết luận: Bạn sẽ phải thực hiện đăng ký biến động do việc xây dựng căn nhà hai tầng đã làm thay đổi tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký. Và việc đăng ký biến động được thực hiện theo các bước đã nêu ở trên.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tại các bài viết:
Thủ tục xác nhận tài sản gắn liền với đất trên sổ đỏ
Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất 09/ĐK
Trong quá trình giải quyết nếu có vấn đề gì vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được công ty chúng tôi tư vấn.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thế chấp quyền sử dụng đất thuê hàng năm
- Tặng cho nhà ở tạo dựng trái phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
- Quy định về thời hạn sử dụng đất mua theo dự án khu dân cư
- Giải quyết tranh chấp khi lấn chiếm đất đai
- Nộp tiền sử dụng đất đối với đất giao trái thẩm quyền từ năm 1988