Thứ tự ưu tiên của hiệu lệnh giao thông
Cho tôi hỏi, thứ tự ưu tiên của hiệu lệnh giao thông. Vì tôi đi đến ngã tư là đèn xanh nhưng CSGT yêu cầu dừng lại thì tôi phải đi theo đèn hay theo CSGT? Nếu tôi cứ đi theo đèn xanh đó thì có bị phạt nặng không? Có bị tước bằng lái không? Tôi muốn nộp phạt qua bưu điện thì thủ tục như thế nào?
- Trường hợp nào cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông?
- Có được ủy quyền nộp phạt qua đường bưu điện hay không?
Tổng đài tư vấn Luật giao thông đường bộ 24/7: 1900 6172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn về thứ tự ưu tiên của hiệu lệnh giao thông đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, thứ tự ưu tiên của hiệu lệnh giao thông:
Căn cứ mục 4.1 Điều 4 Quy chuẩn 41/2019 quy định:
“Điều 4. Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu
4.1. Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
4.1.1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
4.1.2. Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
4.1.3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
4.1.4. Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.”
Theo quy định trên, khi bạn đến ngã tư là đèn xanh nhưng CSGT yêu cầu dừng lại thì bạn phải dừng theo hiệu lệnh CSGT.
Thứ hai, xử phạt hành vi không chấp hành yêu cầu của CSGT
Căn cứ điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
g) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.”
Như vậy, khi CSGT điều tiết giao thông và yêu cầu bạn dừng xe cho hướng xe khác lưu thông mà bạn không dừng lại thì sẽ bị xử phạt tiền là từ 600 000 đồng đến 1.000 000 đồng.
Thứ ba, với trường hợp tước bằng lái:
Căn cứ điểm b khoản 10 Điều Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;“
Theo đó, trường hợp của bạn sẽ bị tước bằng lái từ 01 tháng đến 03 tháng.
Thứ tư, nộp phạt qua bưu điện:
Căn cứ mục 3 của Nghị quyết 10/NQ-CP quy định như sau:
“3. Về việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam
Chính phủ thống nhất cho phép thực hiện dịch vụ thu; nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện.”
Như vậy, kể từ ngày Nghị quyết 10/NQ-CP có hiệu lực thi hành là ngày 04/02/2016 thì người vi phạm luật giao thông đường bộ sẽ được phép nộp tiền phạt và nhận các giấy tờ qua đường bưu điện thay vì phải đến trực tiếp Kho bạc Nhà nước nộp phạt rồi đem biên lai nộp tiền đến trụ sở cảnh sát giao thông nhận lại giấy tờ xe.
Theo tinh thần của Nghị quyết 10/NQ-CP thì thủ tục nộp phạt qua đường bưu điện phải được thực hiện theo quy trình sau:
+) Khi vi phạm luật giao thông và bị lập biên bản; tạm giữ giấy tờ, người vi phạm có thể đăng ký hình thức nộp phạt qua bưu điện ở mặt sau biên bản.
+) Đến thời hạn nộp phạt; bạn qua bưu điện gần nhất để đăng ký và gửi tiền phạt cũng như phí dịch vụ.
+) Bưu điện sẽ phụ trách việc đóng tiền phạt cũng như lấy lại giấy tờ từ cơ quan công an; chuyển đến tận nhà cho người vi phạm.
Thời gian nhận lại giấy tờ tùy thuộc địa điểm vi phạm của người đó. Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh; thành phố sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa 02 ngày; đối với các huyện xa và tỉnh thành khác là 3 ngày.
Đối với phí dịch vụ để nộp phạt qua đường bưu điện sẽ tùy thuộc chi phí giá dịch vụ của Bưu điện.
Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP thì nộp phạt qua bưu điện chỉ áp dụng với trường hợp chỉ phạt tiền mà không có hình phạt bổ sung. Do đó, trường hợp của bạn sẽ không được nộp phạt qua bưu điện vì hành vi vi phạm của bạn ngoài bị phạt tiền còn bị phạt bổ sung là bị tước bằng lái.
Trên đây là toàn bộ phần giải đáp về vấn đề thứ tự ưu tiên của hiệu lệnh giao thông. Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
-> Nộp phạt giao thông chậm có phải nộp tiền lãi không?
- Làm thế nào để vợ chồng cùng đứng tên trên đăng ký xe?
- Xử phạt lái xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy
- Quy định xử phạt người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy có dung tích trên 50 cm3
- Phạt lỗi điều khiển xe ô tô không có đèn tín hiệu năm 2023
- Mức phạt khi điều khiển ô tô quên mang giấy tờ cần thiết