Xác định chủ phương tiện khi xe của cá nhân gia nhập hợp tác xã
Tôi điều khiển xe ô tô trên giấy đăng ký xe đứng tên của tôi nhưng năm 2018 tôi đã cho xe gia nhập hợp tác xã kinh doanh vận tải. Cho tôi hỏi khi xe tôi bị lỗi quá đăng kiểm xe 9 ngày thì tôi có được xác định là chủ phương tiện xử phạt không? Trường hợp này mức xử phạt như thế nào?
- Điều khiển xe ô tô đã hết hạn đăng kiểm dưới 1 tháng bị xử phạt như thế nào?
- Công ty giao xe hết hạn đăng kiểm dưới 01 tháng cho lái xe điều khiển
Hỗ trợ tư vấn trực tuyến về Giao thông đường bộ: 19006172
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Tổng đài tư vấn. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định chủ phương tiện khi xe của cá nhân gia nhập hợp tác xã:
Căn cứ Điểm d Khoản 6 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
“Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt
6. Chủ phương tiện bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này là một trong các đối tượng sau đây
d) Đối với phương tiện thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã và được hợp tác xã đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì hợp tác xã đó là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;”
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp bạn đã cho xe gia nhập hợp tác xã kinh doanh vận tải thì hợp tác xã là đối tượng được áp dụng xử phạt như chủ phương tiện. Theo đó, bạn không được xác định là chủ phương tiện xử phạt.
Thứ hai, mức xử phạt đối với người điều khiển xe quá hạn đăng kiểm dưới 01 tháng:
Căn cứ Điểm a Khoản 5 và Điểm a Khoản 8 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
8. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3; khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Bên cạnh đó, căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
“Điều 82. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
“1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
e) Điểm a, điểm b khoản 4; khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c khoản 6 Điều 16;”
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp bạn điều khiển xe đã quá hạn đăng kiểm 9 ngày thì bạn sẽ bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng và bị tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Ngoài ra, bạn còn bị tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày.
Thứ ba, mức xử phạt đối với chủ phương tiện:
Căn cứ Điểm b Khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông;”
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp hợp tác xã là chủ xe ô tô của bạn và đưa xe ô tô đã quá hạn đăng kiểm 9 ngày cho bạn điều khiển thì hợp tác xã sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Nếu còn vướng mắc xin vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn giao thông đường bộ trực tuyến 1900 6172 để được trực tiếp tư vấn, giải đáp.
=> Xử phạt lỗi xe quá hạn đăng kiểm đứng tên của người khác
- Mức phạt quy định khi chạy xe vượt quá tốc độ cho phép 20km/h
- Mức phạt ô tô quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường
- Đăng ký chậm khi mua xe máy mới bị xử phạt như thế nào?
- Việc thay lại tem cho xe máy thì bị xử phạt như thế nào?
- Chở người không có tên trong danh sách hành khách bị phạt bao nhiêu?