Chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Xin cho hỏi về vấn đề: chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Vợ chồng tôi lấy nhau được 10 năm và có hai đứa con, một đứa 7 tuổi, 1 đứa 5 tuổi. Vợ chồng tôi ly hôn do anh ta có người phụ nữ khác và chúng tôi thỏa thuận tôi sẽ nuôi hai con còn anh ta mỗi tháng cấp dưỡng cho các con là 3 triệu đồng. Tuy nhiên kể từ lúc ly hôn đến nay đã 2 năm mà anh ta không thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng cho con một đồng nào.
Mỗi lần tôi gọi điện thoại đòi thì anh ta đều kiếm cớ không có tiền trong khi lương tháng anh ta làm được 20 triệu chưa kể xe cộ nhà cửa. Tôi rất mệt mỏi vì cứ đi theo anh ta như đòi nợ vậy. Trong trường hợp này thì làm sao để tôi có thể bảo vệ quyền và lợi ích của các con? Pháp luật có hình thức xử lý nào với anh ta hay không? Mong anh chị tư vấn giúp tôi.
Bài viết liên quan:
- Đòi tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn
- Làm sao để được quyền nuôi con khi ly hôn
- Giành lại quyền nuôi con sau ly hôn khi con lên 7 tuổi
Tư vấn Hôn nhân và Gia đình:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn. Với câu hỏi về chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng; chúng tôi trả lời cho bạn như sau:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Theo quy định tại Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:
“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.
Như vậy, sau khi ly hôn người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình đối với con, bạn có quyền yêu cầu Tòa án nơi chồng cũ cư trú hoặc đang làm việc buộc việc anh ấy không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Hoặc bạn có thể báo lên Hội phụ nữ, các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình và trẻ em để những cơ quan tổ chức này đứng ra yêu cầu Tòa án buộc chồng cũ của bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trong trường hợp người có nghĩa vụ không chịu thi hành theo bản án, quyết định của Tòa, thì bạn có quyền làm đơn để yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện việc cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của Tòa đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của Luật thi hành án dân sự.
Tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình trực tuyến 24/7: 19006172
Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
- Xử phạt hành chính: Xử phạt hành vi không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không được quy định trực tiếp trong văn bản pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự thì hành vi “Không thực hiện công việc phải làm … theo bản án, quyết định” của tòa án có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng. Như vậy, trong trường hợp đã có bản án, quyết định của tòa buộc 1 người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà người đó không thực hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên.
- Xử lý trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 152 Bộ Luật hình sự 1999 “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như: ốm đau, bệnh tật, v.v…). Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này nếu đã có bản án, quyết định của Toà án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 Bộ luật hình sự 1999 về tội không chấp hành án.
Mọi vấn đề vướng mắc về vấn đề cấp dưỡng nuôi con, xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900 6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.