19006172

Phân tích Cấu trúc của Hợp đồng

Trên thực tế, rất khó để có thể thiết kế một mẫu Hợp đồng chung cho tất cả các loại giao dịch trong cuộc sống. Tùy thuộc vào phong cách của nhà soạn thảo sẽ có những bản Hợp đồng khác nhau nhưng tựu chung lại, các Hơp đồng về cơ bản đều được cấu tạo thành 03 phần như sau: Phần Giới thiệu; Phần Nội dung; Phần Ký kết. Trong từng phần sẽ có những nội dung khác nhau. Tuy nhiên, trong Phần Nội dung và Phần Ký kết thì gần như các loại Hợp đồng là giống nhau, chỉ riêng đối với Phần Nội dung sẽ có những điều khoản cơ bản và được triển khai nội dung phụ thuộc vào đối tượng, mục đích mà các bên hướng tới sẽ có các điều khoản khác nhau. Ba phần trong Hợp đồng có vai trò, mục đích và ý nghĩa riêng nhưng khi một Hợp đồng được tạo thành từ 03 phần nêu trên sẽ đem lại sự hoàn chỉnh, sự trọn vẹn và chuyên nghiệp.

  1. Phần Giới thiệu

Mọi Hợp đồng đều có phần Giới thiệu, phần Giới thiệu có vai trò trong việc cung cấp các thông tin cơ bản, làm nền tảng để các bên giao kết Hợp đồng. Phần Giới thiệu chứa đựng các thông tin về: Quốc hiệu, số Hợp đồng, Tên Hợp đồng, căn cứ ký kết, thời gian và địa điểm ký Hợp đồng, Thông tin cơ bản của các bên. Ngoài các thông tin này, trong phần Giới thiệu còn có thể có thông tin về lý do giao kết hợp đồng. Đôi khi phần lý do giao kết Hợp đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải thích Hợp đồng. Bởi vì, trong nhiều trường hợp thì ý chí, nguyện vọng của các bên sẽ được thể hiện ngắn gọn trong phần lý do giao kết Hợp đồng.

Quốc hiệu: Quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, không chỉ có ý nghĩa biểu thị chủ quyền lãnh thổ mà còn là danh xưng chính thức được dùng trong ngoại giao; biểu thị thể chế và mục tiêu chính trị của một nước. Dù thể hiện dưới dạng tiếng nói hay chữ viết, đối với mỗi công dân, quốc hiệu luôn là lòng tự hào dân tộc. Quốc hiệu của Việt Nam là:

“CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”

Số và ký hiệu Hợp đồng: Phần này không phải phần bắt buộc nhưng với mục đích phục vụ cho công tác quản lý, lưu trữ Hợp đồng thì các bên chủ thể thường đánh số ký hiệu cho Hợp đồng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các Doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức. Thông thường, số và ký hiệu Hợp đồng được đánh theo cách thức như sau: X/Y/Z trong đó, X là các số tự nhiên từ 1 đến n; Y là năm ký Hợp đồng; Z là loại Hợp đồng hoặc viết tắt của tên đơn vị, tổ chức tùy theo lựa chọn. Ví dụ như: 01/2023/HĐMB hoặc 01/2023/HĐMB-CTAN…

Tên gọi của Hợp đồng: Cách đặt tên Hợp đồng hoàn toàn không nói lên bản chất của Hợp đồng mà chỉ phần nào nói lên nội dung của Hợp đồng. Tên gọi của Hợp đồng chỉ tồn tại với ý nghĩa là hình thức còn bản chất của Hợp đồng sẽ được xác định qua phần nội dung. Thông thường tên gọi sẽ đặt theo Luật điều chỉnh hoặc theo loại của Hợp đồng nhưng phổ biến nhất thường dựa theo loại Hợp đồng và đối tượng của hợp đồng. Ví dụ: các bên giao kết Hợp đồng mua bán thực phẩm thì sẽ đặt tên là: Hợp đồng mua bán Thực phẩm hoặc Hợp đồng mua bán hàng hóa…Tên của Hợp đồng sẽ được viết chữ in hoa, căn chỉnh giữa văn bản.

Căn cứ ký kết Hợp đồng:Việc các bên xác định căn cứ trong Hợp đồng sẽ là cơ sở để các bên căn cứ thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp xác định sai căn cứ, hoặc căn cứ các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, khi xảy ra tranh chấp, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ không căn cứ vào các văn bản pháp luật mà các bên đã ghi trong phần căn cứ, mà sẽ áp dụng đúng các quy định pháp luật tại thời điểm đó; tuy nhiên việc xác định sai căn cứ sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp áp dụng các điều khoản, các thỏa thuận không phù hợp với pháp luật hiện hành, dẫn đến hiểu lầm, rủi ro và thiệt hại. Chính vì vậy, khi soạn thảo cần xác định đúng, đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình, đối tượng của hợp đồng để tránh những rủi ro do thiếu hiểu biết, chậm cập nhật các quy định pháp luật mới.

Thông tin của các bên trong Hợp đồng (chủ thể): Một hợp đồng chỉ được xác lập khi có từ hai bên tham gia thỏa thuận, do đó, nội dung về chủ thể của hợp đồng là cơ bản và bắt buộc. Chủ thể của hợp đồng không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề phát sinh, xác lập hợp đồng mà còn liên quan đến tư cách của chủ thể ký hợp đồng, từ đó ảnh hưởng đến quyết định có thể tuyên hợp đồng vô hiệu. theo đó, nếu là cá nhân thì chính cá nhân đó ký; còn nếu chủ thể là pháp nhân thì phải là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (phải kèm theo văn bản ủy quyền). Ngoài ra, việc xác định chủ thể hợp đồng còn giúp xác định đối tượng của hợp đồng, từ đó xác định quyền và trách nhiệm cơ bản của chủ thể.

Thông thường, thông tin các bên trong Hợp đồng sẽ gồm: Tên chủ thể ký kết hợp đồng; ngày tháng năm sinh hoặc Giấy phép đăng ký kinh doanh; địa chỉ; điện thoại, telex, fax; Người đại diện ký kết Hợp đồng; Thời gian và Địa điểm ký kết Hợp đồng.

2. Phần Nội dung

Nội dung hợp đồng là điều khoản khái quát về những gì các bên thỏa thuận trong Hợp đồng. Nôi dung hợp đồng có thể làm căn cứ để xác định những trách nhiệm “đương nhiên” của mỗi bên khi thực hiện hợp đồng đồng thời chỉ ra được đối tượng hợp đồng mà các bên đang hướng đến.

Nội dung cơ bản là một trong những nội dung quan trọng khi soạn thảo hợp đồng. Tùy vào từng loại Hợp đồng như Hợp đồng mua bán hàng hóa, Hợp đồng dịch vụ, Hợp đồng kinh tế… sẽ có các nội dung khác nhau, tuy nhiên, Hợp đồng nói chung sẽ có những nội dung cơ bản sau:

Đối tượng của Hợp đồng: Đây là điều khoản cơ bản của tất cả các loại Hợp đồng. Đối tượng là điều mà các bên hướng đến khi tham gia giao kết một Hợp đồng. Đối tượng của Hợp đồng có thể là tài sản, công việc được làm hoặc không được làm.

Ví dụ: đối tượng của Hợp đồng là mua bán thịt gà thì trong điều khoản về đối tượng, các bên cần mô tả rõ loại thịt gà, khối lượng, trọng lượng, tiêu chuẩn, chất lượng….

Giá, phương thức thanh toán, thời điểm thanh toán: Các điều khoản về thanh toán là những phần rất quan trọng của Hợp đồng. Ngoài việ quy định các lần thanh toán so cho chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của mỗi bên thì hợp đồng cũng cần chỉ ra phương thức thanh toán được bên mua hàng hoặc mua dịch vụ chấp thuận. Phương thức thanh toán là cách thức một bên sẽ trả tiền cho bên kia một cách hợp pháp. Hiện tại, có 05 phương thức thanh toán mà các bên thường chọn nhiều nhất là: Phương thức thanh toán tiền mặt; Phương thức thanh toán bằng séc; Phương thức thanh toán chuyển tiền; Phương thức thanh toán nhờ thu; Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ.

Trong nội dung điều khoản này, các bên có thể thỏa thuận các nội dung: giá, thời hạn thanh toán; đồng tiền thanh toán; địa điểm thanh toán; phương thức thanh toán, hệ quả nếu chậm thanh toán, hay các chế tài trong trường hợp chậm thanh toán.

Thời hạn của Hợp đồng:(số 5) Thời hạn của hợp đồng là khoảng thời gian được xác định để các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời hạn hợp đồng thì khoảng thời gian này được tính từ thời điểm hợp đồng phát sinh hiệu lực cho tới thời điểm xuất hiện các căn cứ dẫn đến chấm dứt hợp đồng.

Ví dụ trong Hợp đồng thuê nhà Chung cư thì thời hạn các bên thường thỏa thuận như sau: “Thời hạn Bên A cho Bên B thuê nhà ở quy định tại Điều 1 Hợp đồng này là 07 (bảy) năm, bắt đầu từ ngày ………… và kết thúc vào ngày ……………..”

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng: (số 5)Dựa vào nội dung của các điều khoản và trên những quyền lợi chính đáng mà các bên đã thỏa thuận để quyết định điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên. Thông thường, quyền của bên này sẽ là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.

– Điều khoản về quyền là những nội dung được đề cập đến cách ứng xử mà một bên hoặc các bên có quyền lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện. Điều khoản về quyền bao gồm những nội dung sau: Quyền lợi; Được làm và không được làm.

– Điều khoản về nghĩa vụ là những nội dung được đề cập đến cách ứng xử của một bên hoặc các bên bắt buộc phải thực hiện và không có quyền lựa chọn làm hoặc không làm. Thông thường, nếu một bên mà không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng gây thiệt hại cho bên còn lại sẽ phải bồi thường.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ được pháp luật điều chỉnh đối với từng loại hợp đồng thì các bên có thể thỏa thuận thêm các quyền và nghĩa vụ khác miễn không trái quy định của pháp luật. Điều khoản này có vai trò rất quan trọng đặc biệt là khi các bên phát sinh mâu thuẫn, do đó, càng quy định rõ ràng và chi tiết các quyền và nghĩa vụ của các bên thì càng dễ trong việc xác định sai phạm khi thực hiện hợp đồng.

Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại:(số 6) Điều khoản này được xây dựng dựa trên sự thỏa thuận của các bên, theo đó, khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ tại Hợp đồng thì bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu một khoản tiền phạt cho bên bị vi phạm. Ngoài ra, hành vi vi phạm đó mà gây thiệt hại thì bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại.

Với mục đích hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất, các bên thường rất chú trọng đến điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hai. Do đó, việc quy định càng rõ ràng và chi tiết nội dung này sẽ giúp cho việc xác định trách nhiệm của bên vi phạm tốt hơn đồng thời giúp thực hiện Hợp đồng một cách tối ưu nhất.

Cần lưu ý: Mức phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự do hai bên thỏa thuận, còn trong thương mại và xây dựng thì căn cứ vào giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, và không quá 8% hoặc 12%

Chấm dứt, đơn phương chấm dứt Hợp đồng: Chấm dứt hợp đồng/Đơn phương chấm dứt Hợp đồng đều là kết thúc việc thực hiện các thoả thuận mà các bên đã đạt được hoặc chưa đạt được (nhưng do vi phạm của một bên) khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, làm cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng ngừng hẳn lại, bên có nghĩa vụ không có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ và bên có quyền không thể buộc bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ được nữa.

Trong Hợp đồng, các bên thường dự liệu các điều khoản dẫn tới việc chấm dứt Hợp đồng hoặc các trường hợp mà một trong các bên có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng và hệ quả của việc chấm dứt/đơn phương chấm dứt Hợp đồng. Tùy thuộc vào từng loại Hợp đồng cũng như “dụng ý” của nhà soạn thảo, các trường hợp được đưa ra có thể là:

– Hợp đồng được chấm dứt khi công việc tại Điều…. được hoàn thành;

– Hợp đồng được chấm dứt khi cả hai bên cùng thỏa thuận chấm dứt;

– Hợp đồng được chấm dứt khi một trong 2 bên là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyến bố là đã chết, mất tích; hoặc một bên là tổ chức chấm dứt Hoạt động theo quy định Luật doanh nghiệp;

– Hợp đồng được chấm dứt khi đối tượng của Hợp đồng không còn tồn tại hoặc pháp luật tại thời điểm thực hiện có thay đổi.

– Một trong các bên có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng này khi bên còn lại vi phạm nghĩa vụ trong Hợp đồng.

Giải quyết tranh chấp: Đây là điều khoản quan trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đồng thời là điều khoản ràng buộc trách nhiệm cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Quy định này nhằm tạo sự thuận lợi khi giải quyết tranh chấp, giúp tiết kiệm thời gian, nhanh chóng, thuận lợi… Tuy nhiên, trên thực tế các bên thường bỏ qua nội dung này hoặc nếu đề cập thì rất sơ sài. Do đó, khi phát sinh tranh chấp sẽ khó có hướng giải quyết. Nội dung điều khoản giải quyết tranh chấp, các bên thường sẽ hướng đến các phương thức sau: Tự thỏa thuận; Giải quyết bằng trọng tài; Giải quyết tại Tòa án…

3. Phần Ký kết

Phần ký kết là phần cuối cùng trong hợp đồng. Tại phần ký kết, người có thẩm quyền của các bên ký và đóng dấu để hợp đồng đảm bảo tính hợp pháp về hình thức. Nhìn vào phần chữ ký người đọc có thể hiểu được Hợp đồng đã được giao kết hợp pháp hay chưa. Khi các bên ký vào hợp đồng đồng nghĩa với việc thừa nhận các thỏa thuận được ghi nhận trong Hợp đồng và chịu trách nhiệm với những gì đã ký kết.

Thông thường, phần ký kết hợp đồng sẽ bao gồm những nội dung sau:

– Ngày và nơi ký kết Hợp đồng;

– Số trang, số bản gốc và giá trị pháp lý của các bản;

– Đại diện các bên ký và đóng dấu;

Ngoài ra, tùy vào từng hợp đồng sẽ có thể có thêm phần: Tài liệu trong quá trình đàm phán; Các phụ lục Hợp đồng…

Ngoài ra có thể tham khảo thêm bài viết: MẪU HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Trong quá trình giải quyết nếu còn vấn đề thắc mắc vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến 24/7: 1900.6172 để được tư vấn, giải đáp trực tiếp.

luatannam